Lệnh cấm vận dầu Nga sắp có hiệu lực, thị trường dầu mỏ sẽ ra sao?
(Dân trí) - Giới phân tích cảnh báo các biện pháp trừng phạt dầu Nga sắp tới sẽ "thực sự gây xáo trộn" trên thị trường năng lượng nếu các quốc gia châu Âu không áp mức giá trần đối với dầu Nga.
Vào tháng 6, 27 quốc gia của Liên minh châu Âu đã thống nhất một lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển có hiệu lực kể từ ngày 5/12 tới. Nỗ lực này của EU nhằm cùng với Mỹ, Nhật Bản, Canada và Anh cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.
Tuy nhiên, lo ngại lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu Nga sẽ khiến giá dầu thô tăng vọt, nên các nước G7 đang cân nhắc về mức giá trần đối với dầu Nga.
Theo ông Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại viện tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group - lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga có thể "thực sự gây xáo trộn" trên thị trường.
Nói với CNBC, Gloystein cho rằng, khả năng tăng giá dầu là lý do tại sao Mỹ gây sức ép về việc áp giá trần đối với dầu Nga. Bởi áp giá trần sẽ giúp các nước G7 mua dầu Nga với mức giá thấp hơn nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu của Nga mà không làm tăng giá dầu thô trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các quốc gia EU đang tranh cãi về mức giá trần.
Hồi đầu tuần, các quốc gia châu Âu thảo luận về đề xuất áp mức giá trần 62 USD/thùng, nhưng Ba Lan, Estonia và Lithuania đã phản đối và cho rằng mức giá này vẫn quá cao để giảm nguồn thu của Nga.
Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan cho rằng việc áp giới hạn đối với giá dầu Nga là "một bước rất quan trọng". "Nếu muốn các lệnh trừng phạt có hiệu quả, thực sự gây tổn hại cho Nga thì chúng ta cần cơ chế giá trần này. Vì vậy, hy vọng chúng ta đồng ý cơ chế này càng sớm càng tốt", ông Rob Jetten nói.
Trong phiên ngày 30/11, giá dầu của Nga giao dịch ở mức 66 USD/thùng. Các quan chức của Điện Kremlin đã từng nhiều lần tuyên bố việc áp giá trần là phản cạnh tranh và họ sẽ không bán dầu cho những nước áp giá trần đối với dầu Nga. Nước này hy vọng những người mua lớn như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không đồng ý với giới hạn này và sẽ tiếp tục mua dầu Nga.
Hồi tháng 9, các nước G7 đã đồng ý áp giá trần đối với dầu Nga. Thời điểm đó, nói với CNBC, Giám đốc Năng lượng EU Kadri Simson cho biết bà hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ủng hộ cơ chế giá trần này.
Kể từ sau cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, cả hai nước này đã tăng cường mua dầu Nga và được hưởng lợi nhờ mức chiết khấu sâu. Vì vậy, sự tham gia của họ được coi là cần thiết nếu lệnh cấm dầu Nga có hiệu lực.
"Sự ủng hộ của Trung Quốc và Ấn Độ rất quan trọng vì họ mua phần lớn dầu Nga", Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với CNBC. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, họ sẽ không cam kết thực hiện vì lý do chính trị và cũng vì lý do thương mại, vì họ đã nhận rất nhiều dầu giá rẻ từ Nga. "Vậy thì tại sao phải mạo hiểm vì điều đó. Liệu họ có tự nguyện tham gia không khi mà Ukraine không quá quan trọng đối với họ", ông nói.
Hồi tháng 9, chia sẻ với CNBC, Bộ trưởng Xăng dầu Ấn Độ Shri Hardeep S Puri cũng khẳng định Ấn Độ sẽ mua dầu từ Nga và từ bất cứ nước nào.
Điều này làm dấy lên nghi ngờ về tác động thực sự của các lệnh trừng phạt Nga. "Các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng Nga đến quá muộn và quá rụt rè", ông Guntram Wolff, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, nói và cho rằng các biện pháp trừng phạt càng kéo dài và càng muộn thì Nga sẽ càng dễ dàng lách chúng.