1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá dầu tăng vọt khi G7 thông qua kế hoạch "chưa từng có" với dầu Nga

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu trên thị trường thế giới đã đồng loạt tăng vọt do lo ngại nguồn cung thắt chặt khi G7 đồng ý áp giá trần cố định đối với dầu Nga.

Trên Oilprice, giá dầu Brent đã tăng 3,9 USD, tương đương tăng 4,12% lên 98,57 USD/thùng, mức cao nhất trong 2 tháng qua. Dầu WTI của Mỹ cũng tăng hơn 5% lên mức 92,61 USD/thùng.

Ngày 4/11, các nước G7 và Australia đã nhất trí thông qua kế hoạch "chưa từng có" về việc áp giá trần đối với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển, không bao gồm phí vận chuyển và giao dịch.

Thông tin chi tiết về mức giá trần đối với dầu Nga đang tiếp tục được hoàn thiện và sẽ được công bố trước thời hạn 5/12 khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của EU có hiệu lực.

Song nói với Reuters, các quan chức của liên minh trên cho biết mức giá này sẽ là mức giá cố định trên mỗi thùng và được xem xét thường xuyên, thay vì một tỷ lệ chiết khấu thả nổi gắn với các mức giá hiện nay như giá dầu Brent.

"Điều này sẽ làm tăng sự ổn định của thị trường và đơn giản hóa việc tuân thủ để giảm thiểu gánh nặng cho những người tham gia thị trường", nguồn tin của Reuters cho hay.

Giá dầu tăng vọt khi G7 thông qua kế hoạch chưa từng có với dầu Nga - 1

Các nước G7 và Australia đã nhất trí thông qua kế hoạch "chưa từng có" về việc áp giá trần đối với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển (Ảnh: Bloomberg).

Theo các quan chức của liên minh, những người mua dầu Nga dưới mức giá trần sẽ được phép bán lại dầu đó với mức giá thị trường tại thị trường nội địa hoặc bán cho các nước khác thông qua đường ống. Nhưng bất kỳ giao dịch bán lại nào liên quan đến đường biển sẽ phải tuân thủ quy tắc về giá trần.

"Một khi lô hàng dầu hoàn thành đợt bán đầu tiên trên đất liền, nó có thể được bán với giá thị trường. Miễn là nó không quay trở lại biển thì sẽ không bị áp giá trần", một quan chức của liên minh nói với Wall Street Journal.

Nhưng nếu dầu thô được đưa trở lại các tàu chở dầu để vận chuyển đến nơi khác, giới hạn giá sẽ lại áp dụng, trừ phi dầu thô đó đã được tinh chế thành các sản phẩm khác, quan chức này cho biết.

Theo quan chức trên, giới hạn này sẽ không bao gồm cước phí vận chuyển hoặc chi phí giao dịch và vận tải. "Nói cách khác, giá trần chỉ được áp dụng đối với riêng dầu thô của Nga", quan chức này nhấn mạnh.

Financial Times dẫn lời từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng đây là một biện pháp tốt để đảm bảo năng lượng vẫn lưu thông trên thị trường nhưng hạn chế được nguồn thu từ dầu của Nga.

Trong 8 tháng đầu năm nay, Nga đã kiếm được 7.300 tỷ rúp (tương đương 117 tỷ USD) từ việc bán dầu và khí đốt, tương đương khoảng 30% ngân sách liên bang trong cả năm.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã ban hành hướng dẫn cho biết, dầu thô Nga được chất lên tàu tại các cảng để vận chuyển bằng đường biển trước ngày 5/12 sẽ không bị áp giá trần nếu lô hàng dầu đó được dỡ tại cảng đến trước ngày 19/1/2023.

Trước đó, phản ứng về động thái áp giá trần đối với dầu Nga của các nước G7, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố Moscow sẽ không bán dầu ở mức giá trần thấp hơn. "Chúng tôi sẽ không làm giảm vị thế của mình bằng cách cung cấp dầu hay khí đốt với mức giá thấp hơn. Không, chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này. Chúng tôi sẽ không chơi theo quy tắc của người khác áp đặt và sẽ không hành động làm tổn hại đến lợi ích của chúng tôi", ông Putin nói trong sự kiện Tuần lễ Năng lượng Nga 2022 do RT tổ chức.

Moscow cũng từng nhiều lần tuyên bố sẽ không bán dầu cho những nước áp giá trần đối với dầu thô của họ và cảnh báo sẽ cắt giảm sản lượng để đối phó với những tiêu cực do việc áp giá trần của phương Tây.