Mỹ: Ấn Độ có thể thoải mái mua dầu Nga với một điều kiện
(Dân trí) - Mỹ sẵn sàng để Ấn Độ tiếp tục mua nhiều dầu Nga như mong muốn, thậm chí với giá cao hơn giá trần mà G7 áp đặt, nếu Ấn Độ đáp ứng các điều kiện của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn của Reuters trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 11/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ sẵn sàng để Ấn Độ tiếp tục mua nhiều dầu Nga như họ muốn, kể cả với mức giá cao hơn mức giá trần mà các nước G7 áp đặt. Điều kiện đặt ra là New Delhi không sử dụng các dịch vụ bảo hiểm, tài chính và hàng hải của phương Tây để thực hiện các giao dịch đó.
Theo bà Yellen, việc áp giá trần đối với dầu Nga vừa khiến giá dầu toàn cầu giảm xuống, vừa hạn chế được nguồn thu từ dầu của Nga. Nga sẽ không thể bán nhiều dầu như hiện nay một khi Liên minh châu Âu ngừng nhập khẩu dầu Nga nếu không áp dụng giá trần hoặc giảm giá đáng kể so với hiện tại.
"Nga sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp tục bán được nhiều dầu như họ từng làm khi EU ngừng mua dầu Nga", bà Yellen khẳng định và nói thêm rằng: "Họ sẽ phải vất vả trong việc tìm kiếm khách hàng bởi nhiều người mua đang phụ thuộc vào các dịch vụ của phương Tây".
Theo bà, cơ chế giá trần sẽ là đòn bẩy để Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều khách hàng mua dầu Nga khác giảm số tiền mà họ trả cho Moscow. "Dầu Nga sẽ được bán ở mức giá hời và chúng tôi vui mừng khi Ấn Độ, châu Phi hay Trung Quốc mua được dầu Nga với mức giá rẻ đó", bà nói thêm.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ hiện là khách hàng nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh, Ấn Độ và các công ty dầu khí tư nhân của nước này "cũng có thể mua dầu Nga ở bất kỳ mức giá nào miễn là họ không sử dụng các dịch vụ của phương Tây hoặc họ phải tìm các dịch vụ khác. Và cách nào cũng được".
Tuyên bố trên của bà Yellen được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết sẽ tiếp tục mua dầu Nga vì điều đó có lợi cho Ấn Độ trong lần hội đàm với người đồng cấp Nga vào tuần trước.
Về phía Ấn Độ, dù các bộ tài chính và năng lượng của nước này chưa đưa ra bình luận về những phát ngôn của bà Yellen, nhưng một quan chức chính phủ nước này nói với Reuters rằng: "Tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ tuân theo cơ chế giá trần và chúng tôi đã thông báo điều đó với các nước. Chúng tôi tin rằng hầu hết các nước đều không thoải mái với điều đó và không ai nghĩ nên hạn chế đối với dầu Nga". Điều quan trọng nhất là phải ổn định nguồn cung và giá cả.
Mức giá trần cụ thể mà G7 áp dụng với Nga vẫn đang được thảo luận. Trước đó, nguồn tin cho hay, các nước G7 và Australia đã nhất trí thông qua kế hoạch "chưa từng có" về việc áp giá trần đối với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển, không bao gồm phí vận chuyển và giao dịch.
Thông tin chi tiết về mức giá trần đối với dầu Nga đang tiếp tục được hoàn thiện và sẽ được công bố trước thời hạn 5/12 khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của EU có hiệu lực.
Song nói với Reuters, các quan chức của liên minh trên cho biết mức giá này sẽ là mức giá cố định trên mỗi thùng và được xem xét thường xuyên, thay vì một tỷ lệ chiết khấu thả nổi gắn với các mức giá hiện nay như giá dầu Brent. Mức giá trung bình từ trước đến nay của dầu Urals là 63-64 USD/thùng, đây có coi là một giới hạn trên của dầu Nga.
Cơ chế trên nhằm cắt giảm nguồn thu từ dầu của Nga trong khi vẫn giữ dầu Nga trên thị trường. Các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính và dịch vụ hàng hải của phương Tây sẽ từ chối cung cấp dịch vụ cho các giao dịch dầu Nga nếu có mức giá cao hơn giá trần.
Tuy nhiên, theo Reuters, Rosneft - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga đang mở rộng kinh doanh cho thuê tàu chở dầu để tránh việc người mua dầu phải tìm đến các dịch vụ đang bị ràng buộc bởi cơ chế giá trần của phương Tây.