1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lâm Đồng bỏ 500.000 USD để xây dựng thương hiệu cà phê

(Dân trí) - Về cạnh tranh thương hiệu, cà phê Việt không thể đứng tốp đầu mà buộc phải nằm trong “lớp áo” của những thương hiệu nổi tiếng khác dù có chất lượng tốt so với thế giới. Do đó, đầu xây dựng thương hiệu cà phê Việt là ưu tiên hàng đầu.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm diễn ra “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất” vào sáng nay (14/11). (Ảnh: Hồng Vân)
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm diễn ra “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất” vào sáng nay (14/11). (Ảnh: Hồng Vân)

Chia sẻ với báo chí trước thềm diễn ra “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất”, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, cà phê Việt Nam là một trong những ngành hàng quốc gia, có chất lượng cao và nổi trội trên thế giới. Tuy nhiên chúng ta chỉ mới xây dựng được thương hiệu trong nước và tại một số thị trường nhỏ, so với thế giới, chúng ta còn hạn chế.

Hiện nay, nhiều thương hiệu cà phê trên thế giới đều sử dụng cà phê Việt Nam để nâng cao thương hiệu cho họ.

“Nhiều năm gần đây, cà phê Lâm Đồng được Tập đoàn UCC của Nhật Bản và Starbucks đặt mua”, ông S nói.

Cụ thể, ông cho biết, Starbucks đã đặt hàng với các hợp tác xã cà phê tại Lâm Đồng để trồng cà phê Arabica. “Họ đặt hàng trước 2 tháng để tiến hành canh tác sản xuất đúng chuẩn yêu cầu quy trình mà Starbucks đặt ra. Theo đó, cà phê Arabica của Đà Lạt đã nằm trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu này”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.

Bên cạnh đó, Tập đoàn UCC là Tập đoàn tầm cỡ số 1 châu Á cũng đặt mua cà phê của Việt Nam để bán trong chuỗi cửa hàng cà phê của họ. Toàn bộ các điểm dừng chân tại Nhật Bản đều có cà phê của UCC và đều bán cà phê Việt Nam.

Do đó, để không phải nằm trong “lớp áo” của những thương hiệu nổi tiếng khác, cà phê Việt cần nguồn vốn khá lớn để nâng cao thương hiệu.

Đồng tình với ông Phạm S, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, đối với cà phê của Việt Nam, nhất là khi nước ta đang tham gia các hiệp định về thương mại thì việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của một loại nông sản của một địa phương hay một quốc gia ra thị trường quốc tế rất quan trọng.

Theo đó, chúng ta cần quan tâm đến những hiệp định lớn chúng ta đã tham gia như Hiệp định kinh tế Á - Âu với thị trường 180 triệu dân, cộng đồng kinh tế ASEAN với thị trường 600 triệu dân, Hiệp định TPP với thị trường 480 triệu dân.

Như vậy, với những thị trường tiềm năng khổng lồ này, việc xây dựng thương hiệu là rất đáng quan tâm. Xuất phát từ yêu cầu này, tỉnh Lâm Đồng nhận thức rằng nhất thiết phải phát triển thương hiệu cà phê Arabica.

Do đó, ông Phạm S cho biết, tỉnh đã xây dựng thương hiệu Đà Lạt – kết tinh kì diệu từ đất lành cho một số thương hiệu nông sản trong đó có cà phê Arabica với giá trị đầu tư 500.000 USD, lớn nhất trong xây dựng thương hiệu của Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng việc đầu tư này hoàn toàn đúng và trúng, đáp ứng được yêu cầu thể hiện tầm vóc của nông sản Lâm Đồng tham gia hội nhập quốc tế”, ông S cho hay và nói thêm rằng nếu cà phê của chúng ta có sự khác biệt, có chất lượng tốt mà không chú trọng đầu tư thì rất phí cho lịch sử, chất lượng và sức lao động của người dân.

Do đó, tỉnh Lâm Đồng đã hợp tác với tổ chức JICA và Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đa ngành, cải thiện môi trường đầu tư nông nghiệp trong đó có bước chiến lược về xây dựng thương hiệu thì đã chọn thương hiệu cà phê Arabica để tập trung đầu tư.

Trong quá trình này, ông Phạm S cho biết, các bên thường xuyên thảo luận, khảo sát điều kiện thực tế và định hướng cà phê trong tương lai để xác định mức đầu tư như thế nào là vừa.

“Nếu chúng ta đầu tư quá lớn mà giá trị thương hiệu mang lại không có thì là đầu tư lãng phí, còn nếu thương hiệu không có tiếng tăm gì thì sẽ lãng phí thời gian, kinh phí cũng như chất lượng sản phẩm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định.

Bên cạnh đó, ông Tự cho biết các bên đã nghiên cứu xem nước ngoài đầu tư ra sao để xác định mức đầu tư bình quân giúp thương hiệu đạt tầm quốc gia và quốc tế, nhằm hình thành nên thương hiệu của cà phê Arabica.

“Chúng tôi cũng thành lập tổ công tác và ban chỉ đạo quy trình để định hướng phát triển nông sản Đà Lạt nhằm xây dựng thương hiệu Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu đất lành trở thành thương hiệu mạnh”, ông Phạm S nói thêm.

Hồng Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm