Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm “sốc”

(Dân trí) - Sau phát súng tiên phong của Vietcombank, 3 “ông lớn” ngân hàng khác là: Vietinbank, BIDV và Agribank đã nhập cuộc hạ lãi suất huy động với tốc độ gây “sốc”. Trong đó có ngân hàng đưa lãi suất huy động 1 tháng về mức 5%/năm.

Hình thành mặt bằng lãi suất huy động mới?

Theo biểu lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân của Agribank cập nhật ngày 8/5, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng được ngân hàng này áp dụng ở mức xuống 5%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 7%/năm, các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng là 7,5%/năm…

Quyết định này của Agribank đang gây “sốc” trên thị trường và làm hụt hẫng các đối tượng gửi tiền và “đánh bại” các quyết định hạ lãi suất của các đối thủ khác.

Tuần trước, Vietcombank “gây sốc” khi bắn đi phát súng đầu tiên cho chuỗi giảm lãi suất hàng loạt tại các ngân hàng lớn khi hạ lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng xuống 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm.

Tiếp theo Vietcombank, BIDV cũng hạ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 6%/năm, Vietinbank hạ lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức tối đa là 7%/năm.

Lãi suất đầu vào giảm mạnh được xem là “điều kiện cần” để giảm lãi suất đầu ra, giúp doanh nghiệp tiếp cận được đồng vốn rẻ hơn để khôi phục sản xuất. Bởi tính chung 4 tháng đầu năm 2013, tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2012. Trong khi đó, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp hơn 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011.

Cùng với quyết định cắt giảm lãi suất gây “sốc”, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi như: Vietinbank với các gói tín dụng ngắn hạn ưu đãi lãi suất với hạn mức lên tới 80.000 tỷ đồng và mức lãi suất cho vay thấp nhất chỉ 7%/năm đối với các đối tượng khách hàng thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau; BIDV giảm thêm 1% lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, giảm 0,5% - 1% cho các đối tượng vay ngắn hạn thông thường và dài hạn…

Một số ngân hàng lớn đã tiên phong giảm lãi suất huy động, nhưng liệu “một vài hạt cát có làm nên sa mạc” giảm lãi suất trong toàn hệ thống hay không thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Bởi đa phần ngân hàng hiện nay là ngân hàng nhỏ và vừa vẫn chưa có động thái giảm lãi suất rõ rệt.

Ngân hàng đang thừa tiền để cho vay (ảnh: An Hạ).

Ngân hàng đang thừa tiền để cho vay (ảnh: An Hạ).

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cho rằng: Lãi suất 7,5 - 10%/năm là mức chấp nhận được vì thời điểm này khó có thể kinh doanh mặt hàng nào đạt mức lãi như vậy.

“Nhưng nếu hạ trần lãi suất huy động xuống dưới 7%/năm thì phải cực kỳ cân nhắc. Hiện nay, chúng ta đang thỏa mãn vì hệ thống ngân hàng thừa tiền nhưng thực tế, bẫy thanh khoản vẫn rình rập. Nếu vấn đề thanh khoản xảy ra một lần nữa, rủi ro với hệ thống nguy hiểm hơn cả nợ xấu. Hạ lãi suất xuống quá thấp sẽ xảy ra nguy cơ tiền chảy ra khỏi ngân hàng mà đổ vào chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… Khi đó, khả năng nhiều ngân hàng lại phải lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, gây bất ổn cho toàn hệ thống”, vị đại diện này nói.

Vẫn khó đi vay

Theo đánh giá từ các chuyên gia thuộc Học viện Ngân hàng, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm dần ngay từ đầu năm 2013 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chưa có tác động rõ rệt đến tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây, do tăng trưởng tín dụng kém nhạy cảm với lãi suất.

“Điều này có nghĩa là, lãi suất dù cao cũng khó cản bước các doanh nghiệp tìm cách vay vốn ngân hàng và ngược lại, lãi suất dù thấp nhưng không kích thích các doanh nghiệp vay vốn. Nhân tố lãi suất chỉ đóng một vai trò khá mờ nhạt trong sự biến động của nguồn tín dụng từ ngân hàng”, Học viện Ngân hàng phân tích.

Cũng theo các chuyên gia, sự kém nhạy cảm của tăng trưởng tín dụng đối với lãi suất là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào năng lực sản xuất kinh doanh cũng như “sức khỏe” nội tại của chính doanh nghiệp đó. Một khảo sát của Học viện Ngân hàng với mẫu lựa chọn từ 479 doanh nghiệp niêm yết cho thấy, có 63% doanh nghiệp chịu đựng được mức lãi suất 15%.

Cụ thể, tỷ trọng doanh nghiệp có hệ số lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên dư nợ lớn hơn 25% và 15% lần lượt chiếm tới 44% và 63%. Đây là nhóm doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng chi trả lãi vay ngân hàng với mức lãi suất vay vốn cao hơn 15% trong gian đoạn đầu năm 2012. Nếu so sánh với mức sinh lời từ hoạt động kinh doanh thì mặt bằng lãi suất cuối năm 2012 và quý đầu năm 2013 là hoàn toàn phù hợp với khả năng chịu đựng của các nhóm doanh nghiệp này.

Đối với nhóm có mức sinh lời từ 12% đến 15% (chiếm tỷ trọng 7%) thì lợi nhuận sau khi đã chi trả lãi vay của một số doanh nghiệp sẽ ở mức thấp. Nhưng mức sinh lời thấp của nhóm doanh nghiệp này bắt nguồn chủ yếu từ nội tại của doanh nghiệp, từ những khó khăn chung của nền kinh tế chứ không thể hoàn toàn đổ lỗi cho lãi suất cao.

Nói về thực trạng vay vốn tại ngân hàng, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết: “Chúng ta đang trên đường chấm dứt lối làm ăn chụp giật. Nhiều doanh nghiệp trước đây là đại gia, nhưng giờ nếu tính số nợ trên tổng tài sản thì đã âm hết vốn. Với các doanh nghiệp này, dù lãi suất cho vay có 0%/năm thì vẫn không có khả năng trả nợ”.

Cũng theo chia sẻ từ ông Hưởng thì: “Nếu ví ngân hàng là cọc và doanh nghiệp là trâu thì chúng tôi đang trong cảnh “cọc đi tìm trâu”. Chúng tôi phải chủ động tìm khách hàng, năn nỉ khách hàng vay vốn. Theo tôi, hiện trên thị trường có ba loại “trâu”. Loại thứ nhất đi tìm cọc nào tốt để gửi tiền, loại 2 xem xét cọc có “chơi” được không (tức lãi suất theo mức doanh nghiệp yêu cầu). Loại thức ba là giá nào cũng vay, vay xong rồi xin hạ lãi suất xuống. Chúng tôi đang đi tìm hai loại doanh nghiệp đầu tiên”.

Nguyễn Hiền