1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hạ lãi suất không phải là chìa khoá khơi thông tín dụng

(Dân trí) - Trong khi nợ xấu vẫn đang là "nút thắt" gây tắc nghẽn dòng tín dụng ra nền kinh tế, vốn ứ đọng tại các ngân hàng thì việc hạ lãi suất huy động được cho là sẽ không tác động nhiều tới nguồn cung mà mới chỉ phần nào thúc đẩy cầu.

Ngân hàng không thiếu thanh khoản, thậm chí dư thừa vốn, song không dám cho vay.
Ngân hàng không thiếu thanh khoản, thậm chí dư thừa vốn, song không dám cho vay.

Nợ xấu "kìm chân" tăng trưởng

Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế châu Á vừa được Ngân hàng ANZ phát hành, chuyên gia về kinh tế Việt Nam Vincent Conti cho rằng, trong điều kiện xu hướng lạm phát hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có thêm chính sách để tiếp tục hạ lãi suất đầu vào.
 
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh, việc cắt giảm lãi suất sẽ có thể hỗ trợ nhu cầu tín dụng song về cung tín dụng sẽ không chịu tác động lớn bởi yếu tố này đang chịu ràng buộc lớn từ “khối u” nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
 
Do vậy, theo ông, để có thể cởi được nút thắt tín dụng và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở về mức tiềm năng, vấn đề mấu chốt phải xuất phát từ việc làm sạch bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, nói cách khác là phải ưu tiên giải quyết nợ xấu.
 
Gần đây, trong một bài báo đăng tải trên Reuters, hãng tin của Anh chỉ rõ, sự chậm lại của tăng trưởng tín dụng đang là một “đòn mạnh” giáng vào nền kinh tế Việt Nam.
 
Hoạt động thắt chặt mạnh tay tín dụng cho vay của các ngân hàng Việt Nam, vốn có tỷ lệ nợ xấu cao nhất châu Á, đã tạo nên “bẫy thanh khoản” trên thị trường tiêu dùng với quy mô 90 triệu dân. Khu vực bất động sản lâm vào bế tắc. Tốc độ phát triển của ứng viên “ngôi sao đang lên” tiếp theo tại khu vực châu Á nay xuống mức thấp nhất 13 năm.
 
Kết quả là, hơn 100.000 doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trong 2 năm 2011 và 2012. Tính riêng trong quý I năm nay, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp phá sản. Trong khi đó, doanh số bán lẻ quý I chỉ tăng 11,8% - thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Như vậy, không chỉ gặp vấn đề với vốn vay, doanh nghiệp còn vấp trở ngại bởi sức mua suy giảm.

Reuters dẫn số liệu do Thống đốc Nguyễn Văn Bình cung cấp hồi tháng 3 cho biết, lãi suất cho vay hiện đang trong khoảng 9-16% sẽ được cắt giảm xuống còn dưới mức 13% giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Thế nhưng, một số doanh nghiệp vẫn than phiền về lộ trình chậm chạp của động thái này khi mức lãi suất thực tế mà họ đang gánh chịu vẫn ngất ngưởng 17-18%.

Chờ hẹn VAMC

Nói về ý tưởng thành lập Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC), hãng tin Anh cho rằng, ban đầu, công ty sẽ mua nợ xấu thế chấp bằng bất động sản. 

Nợ được mua ở mức giá ghi trên sổ sách và được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản tái cấp vốn từ NHNN - Thống đốc Nguyễn Văn Bình hé lộ.

Mặc dù VAMC không cần nắm trong tay tiền mặt để giải quyết nợ xấu, song số vốn quá nhỏ của công ty này khiến nhiều người đặt câu hỏi NHNN sẽ đặt mức trần hỗ trợ như thế nào đối với các trái phiếu đặc biệt. 

“VAMC có thể sẽ giải quyết được 50% nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc cho biết, đồng thời khẳng định, đây sẽ là một khởi đầu quan trọng để có thể thu được kết quả khả quan trong năm nay. “Sau đó, phụ thuộc vào tình hình, công ty có thể mở rộng quy mô nợ và tài sản thế chấp để đạt được mục tiêu cuối cùng là đưa tỷ lệ nợ xấu về vùng an toàn”.  

Giới phân tích và một số lãnh đạo ngân hàng thương mại dù vậy vẫn quan ngại, bởi đến nay vẫn còn chưa biết ai sẽ chi trả cho VAMC, công ty này sẽ xử lý số nợ xấu mua vào như thế nào hay chỉ đơn giản là chuyển nợ từ nơi này sang nơi khác.

Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 26/4, người phát ngôn của Chính phủ -  Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nếu không có gì thay đổi, “trong một vài ngày tới” Chính phủ sẽ làm thủ tục thông qua Nghị định thành lập VAMC. Tuy nhiên, sau gần 2 tuần đã trôi qua vẫn chưa có thông tin cụ thể nào khác liên quan đến việc thành lập công ty này. 

Giữa lúc đó, báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn. Khó khăn trong việc tìm đầu ra tín dụng, vốn huy động còn chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như trái phiếu Chính phủ cho dù lợi suất thấp.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm