1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kinh tế Việt Nam đến 2050 với thu nhập cao: Kịch bản tăng trưởng sẽ ra sao?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng, phát triển. Một số đại biểu Quốc hội băn khoăn, mức hơn 7% là rất cao, liệu có khả thi.

Sáng nay (7/1), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự thảo, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, phát triển.

Kịch bản thấp, với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3% cho cả giai đoạn 2021-2030 và đạt 6,49% mỗi năm vào 2031-2050. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến 2030 khoảng 7.500 USD.

Kịch bản cao, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7,05% một năm giai đoạn 2021-2030 và đạt 7,16% một năm trong giai đoạn 2031-2050. Thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt 27.000-32.000 USD.

Kinh tế Việt Nam đến 2050 với thu nhập cao: Kịch bản tăng trưởng sẽ ra sao? - 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng phương án kịch bản tăng trưởng thấp với hơn 6% là hợp lí (Ảnh: QH).

Nêu ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhất trí với kịch bản có tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,3% giai đoạn 2021-2030 và 6,49% mỗi năm vào 2031-2050.

Ông Hòa nhận định, mức tăng trưởng khoảng hơn 6% là hợp lý với điều kiện thực tế của Việt Nam. Với kịch bản còn lại, ông cho rằng "rất cao" trong bối cảnh tăng trưởng thế giới chỉ khoảng 2-3%.

Còn đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) băn khoăn dự thảo chọn kịch bản cao song thực tế trong nước lại chưa hình thành được nhiều tập đoàn đủ mạnh ở các ngành động lực. Điều này dẫn đến việc khó khơi dậy tiềm năng, tạo tự chủ nền kinh tế.

Trước đó, khi thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu còn băn khoăn về mức độ chi tiết cũng như một số mục tiêu cụ thể, trong đó có vấn đề tăng trưởng.

Nêu quan điểm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao. Bởi chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển như vũ bão thì tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch.

Theo Chủ tịch nước, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu…

Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Góp ý vào dự thảo Quy hoạch tổng thể Quốc gia, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, khi xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, chúng ta học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhưng khi tính toán nguồn lực để thực hiện quy hoạch cần đặt trong hoàn cảnh của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực hiện nay.

Nhấn mạnh xây dựng quy hoạch phải khả thi, cần có cơ chế để sử dụng, huy động nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện nguồn lực đầu tư công có hạn, chúng ta không thể đầu tư dàn trải như trước đây, cần có trọng tâm trọng điểm.

Ông Ngân cũng bày tỏ đồng tình khi quy hoạch tổng thể quốc gia lần này đã xác định việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định các cực tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam đến 2050 với thu nhập cao: Kịch bản tăng trưởng sẽ ra sao? - 2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội (Ảnh: QH).

Giải trình thêm trước Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia được chuẩn bị rất công phu, với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu, hơn 100 các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch, suốt hơn 2 năm vừa qua.

Ông cũng cho biết, kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này cũng không nhiều. Bởi mỗi nước một kiểu, có nước làm, có nước không làm. "Cũng không thể áp mô hình nước này vào mô hình nước được kia, phải vận dụng cụ thể, theo phương châm bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, tiến nhanh, thu hẹp khoảng cách phát triển", ông Dũng nhấn mạnh.

Về kịch bản tăng trưởng được lựa chọn, ông Dũng khẳng định đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động, cân đối nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về nguồn lực, để đạt được các mục tiêu đặt ra giai đoạn 2021-2030, ông Dũng cho biết cần 4,8 triệu tỷ đồng thông qua huy động tối đa từ nhà nước, tư nhân, PPP, FDI. "Sẽ phấn đấu trên tinh thần quyết tâm cao nhất, lợi thế so sánh, xu thế mới để đạt các mục tiêu đặt ra", ông Dũng nhấn mạnh.