1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đến 2050, Việt Nam thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á; trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao hàng đầu thế giới.

Đó là quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển được đưa ra trong Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội vào sáng nay (5/1).

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (chỉ số HDI từ 0,8 trở lên), đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Phát biểu khai mạc trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ 2 xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách, trong đó, có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến 2050, Việt Nam thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội tập trung cho ý kiến về quan điểm, tầm nhìn Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia (Ảnh: Quốc Chính).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề như xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển, dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển.

Các nội dung như định hướng về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch… cũng cần được cho ý kiến, làm rõ.

"Đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện, quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học và khả thi", Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Việt Nam chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, theo ông Dũng, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức.

Cụ thể, không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, tính liên kết còn yếu, ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn, làng nghề và một số lưu vực sông chậm được khắc phục.

Ngoài ra, Việt Nam chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong phát triển các ngành, lĩnh vực để hình thành các khu vực ưu tiên, còn xảy ra mâu thuẫn lợi ích, xung đột tại một số địa bàn…

Đến 2050, Việt Nam thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á - 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Ông Dũng cũng nêu ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua.

"Vẫn còn tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, dài hạn để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước", ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, công tác quy hoạch chưa thật sự được coi trọng đúng mức, chất lượng các quy hoạch chưa cao; chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, các vùng…

Tại tờ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu rõ các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển và tổ chức không gian phát triển.

Trong đó, về quan điểm phát triển, tờ trình nêu rõ sẽ "phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn".

Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách đều phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững…

Tầm nhìn đến 2050, Việt Nam là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Về quan điểm, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đến 2050, Việt Nam thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á - 3

Phiên khai mạc Quốc hội kỳ họp bất thường diễn ra sáng 5/1 (Ảnh: Quốc Chính).

Về tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.

Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao đứng hàng đầu thế giới, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại. Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế, Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia được Chính phủ trình nêu rõ.

Còn mục tiêu phát triển đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.