Quốc hội họp bất thường, xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung quan trọng dự kiến được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ khai mạc sáng nay (5/1), dự kiến bế mạc ngày 9/1. Quốc hội tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 5 nội dung quan trọng. Trong đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngay sau phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sau đó sẽ trình bày báo cáo thẩm tra.

Quốc hội họp bất thường, xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia - 1

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khai mạc sáng 5/1 (Ảnh: Quốc hội).

Đến ngày 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, đồng thời góp phần hóa giải được những mâu thuẫn, khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Quy hoạch, phạm vi nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho rằng, tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này là vô cùng kịp thời, cần thiết.

Theo đại biểu, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.

Nhiệm vụ này rất phức tạp và cấp bách, là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém lâu nay trong công tác quy hoạch, đặc biệt là tình trạng tổ chức không gian phát triển còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ nét các vùng động lực và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ là cơ sở quan trọng để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.