Kinh tế thế giới loay hoay khi Mỹ và Trung Quốc về hai thái cực
(Dân trí) - Kinh tế Mỹ được dự báo "hạ cánh mềm" thay vì suy thoái, trong khi Trung Quốc đang phải đối diện với một loạt vấn đề nan giải cả trong và ngoài nước.
"Tưởng tượng một nước Mỹ không có suy thoái. Dễ mà, bạn hãy thử xem".
Đó chính là tiêu đề báo cáo triển vọng mới nhất của Bank of America (BofA), phản ánh góc nhìn đầy tích cực của Kinh tế trưởng Michael Gapen đối với nền kinh tế số một thế giới. Thậm chí, nó còn trái ngược hoàn hoàn so với những dự báo suy thoái mà chính ông liên tục đưa ra kể từ mùa hè năm ngoái.
Hơn một năm trước, cựu Giám đốc nghiên cứu thị trường của Barclays đảm nhận nhiệm vụ mới tại BofA và hòa chung "bài ca suy thoái" cùng với nhiều nhân vật nổi tiếng phố Wall khác. Lãi suất tăng cao và lạm phát cố kết đang ăn mòn sức mua của người tiêu dùng, và đó chính là tiền đề bùng nổ ít nhất một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm 2022, ông chia sẻ tại thời điểm đó.
Niềm tin Mỹ không suy thoái
Thế nhưng, Gapen cũng phải liên tục phải thay đổi dự báo về thời điểm suy thoái xảy ra. Tháng 9/2022, dự báo suy thoái của ông đã được đẩy lùi về nửa cuối năm 2023 do kinh tế Mỹ "sở hữu những sức mạnh tiềm tàng" chống lại quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang (Fed).
Tới tháng 6 năm nay, ông vẫn cho rằng kinh tế Mỹ phải tới đầu năm 2024 mới suy thoái trước một loạt những "minh chứng sức mạnh" của thị trường lao động. Và chỉ một tháng trước, dù vẫn ủng hộ quan điểm suy thoái, ông phải thừa nhận rằng những dữ liệu kinh tế gần đây mang tới sự bất ngờ lớn và các khách hàng của BofA cảm thấy "lạc quan hơn nhiều".
Ở thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ suy nghĩ bi quan của Gapen đều tan biến.
"Dữ liệu thời gian qua buộc chúng tôi phải đánh giá lại dự báo về một cuộc suy thoái nhẹ nổ ra vào năm 2024", ông chia sẻ với Fortune. "Hiện tại, chúng tôi nghiêng về một cuộc hạ cánh mềm, hay nói cách khác, tăng trưởng có chậm lại nhưng không sụt giảm".
Trong khi một bộ phận chuyên gia khác dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm dần trong năm nay trước môi trường lãi suất cao, nhưng theo Gapen, điều đó không chính xác. Nền kinh tế số một thế giới tăng trưởng 2% trong quý I và 2,4% trong quý II, tất cả đều vượt lên trên kỳ vọng của thị trường.
Còn về lạm phát, sau khi đạt đỉnh tại 9,1% hồi tháng 6/2022, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện chỉ còn 3% trong tháng 6. Gapen phản pháo quan ngại về sự hình thành một vòng xoáy lương - giá, qua đó níu lạm phát tại Mỹ ở ngưỡng 4-5%. Theo ông, "áp lực tiền lương và giá cả đang đi đúng hướng ở thời điểm hiện tại".
"Điều khiến chúng tôi vô cùng thích thú tới từ thực tế: sự vững mạnh trong hoạt động kinh tế và thị trường lao động không ngăn cản đà suy yếu của lạm phát và tiền lương", ông nhấn mạnh.
Gapen không phải người duy nhất mang quan điểm tích cực. Sau khi cảnh báo về một giai đoạn suy thoái nhẹ có thể xảy ra, Chủ tịch Fed - Jerome Powell và các quan chức khác hiện không còn nhìn thấy rủi ro suy thoái cao như trước, và điều này được phản ánh trong ngay phiên họp gần nhất của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC).
Tháng 12 năm ngoái, nhóm chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics dự báo xác suất suy thoái của Mỹ lên tới 70% nhưng giờ đã giảm xuống còn 58%.
Gần đây nhất, ngân hàng JPMorgan Chase cũng đã gỡ bỏ dự báo suy thoái đối với kinh tế Mỹ, bắt nguồn từ một loạt các dữ liệu kinh tế mạnh.
Những tưởng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi
Khi kinh tế Mỹ khỏe mạnh, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên được dự báo hưởng lợi với tư cách đối tác thương mại quan trọng. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chạm ngưỡng 690,6 tỷ USD, cao nhất từng được ghi nhận.
Thế nhưng, bức tranh kinh tế tại quốc gia tỷ dân này lại hoàn toàn trái ngược.
2023 được dự báo là "năm của Trung Quốc" sau khi nước này từ bỏ chiến lược zero-Covid, nổi tiếng khắt khe. Đây là tiền đề để nền kinh tế thế giới "gầm vang" sau nhiều năm bị đại dịch kìm hãm. Tuy nhiên, đà hồi phục lại khác xa so với kỳ vọng khi nền kinh tế số hai thế giới phải đối diện với một loạt các vấn đề nan giải cả trong và ngoài nước.
Trong tháng 7, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm với tốc độ hai chữ số, nghiêm trọng hơn so với dự báo của giới chuyên gia. Xuất khẩu lao dốc bắt nguồn từ thực trạng nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy yếu trước lượng hàng tồn kho cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh tích trữ trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự thay đổi đáng kể khi nhiều quốc gia, doanh nghiệp không muốn quá phụ thuộc vào "công xưởng thế giới" với các điểm đến mới như Ấn Độ và Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều năm sống với tâm lý lo lắng khi Trung Quốc áp dụng zero-Covid khiến người dân nước này trở nên thận trọng thái quá, qua đó hạn chế chi tiêu, tiêu dùng và đẩy mạnh tiết kiệm. Đây cũng là một phần nguyên nhân kéo giảm kim ngạch nhập khẩu trong tháng vừa qua.
Chưa dừng lại ở đó, rủi ro giảm phát tại Trung Quốc ngày một tăng cao khi lạm phát tháng 7 xuống dưới 0% trong khi chỉ số giá sản xuất liên tục đi lùi trong nhiều tháng liên tiếp. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế Trung Quốc có thể đi theo "vết xe đổ" của Nhật Bản với một giai đoạn đình trệ kéo dài.
Thị trường bất động sản chưa có nhiều cải thiện với đầu tư vào lĩnh vực này sụt giảm gần 8% trong nửa đầu năm. Các địa phương vì thế cũng mất đi nguồn thu lớn từ việc bán hoặc cho thuê đất. Quả bom nợ đang chực chờ phát nổ. Sự khó khăn còn được thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp người trẻ trong độ tuổi 18-24 cao kỷ lục với hơn 21%.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng 3%, đó dường như là một con số không tồi.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc áp dụng zero-Covid trong phần lớn năm 2022, với nhiều đầu tàu kinh tế như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến bị phong tỏa, vô tình tạo ra mức nền tương đối thấp.
Nếu như loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng kể trên, tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc ước tính chỉ tăng khoảng 3%, thấp hơn một nửa so với trung bình giai đoạn trước đại dịch, theo Bloomberg Economics.
Đà suy yếu của kinh tế Trung Quốc có tác động lan tỏa toàn cầu. Lý do là nhiều việc làm, nhiều doanh nghiệp "sống" nhờ vào quốc gia này, với thị trường trên một tỷ người và năng lực sản xuất khó có quốc gia nào sánh kịp. Giá quặng sắt, đồng... trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm khi nhu cầu từ quốc gia tiêu thụ lớn nhất không còn quá mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao từ Hàn Quốc và một số quốc gia khác vào Trung Quốc thậm chí giảm trên 10% trong nửa đầu năm nay. Các quốc gia phụ thuộc lớn vào du lịch như Thái Lan cũng đang mòn mỏi chờ đợi sự quay trở lại của du khách Trung Quốc.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 ở ngưỡng 3%, thấp hơn mức tăng 3,5% của năm 2022. Dù cao hơn so với nhận định trong tháng 4, mức dự báo này vẫn thấp hơn nếu sánh với các giai đoạn trước.
Theo IMF, hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn chịu ảnh hưởng từ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đầu bởi Fed và các ngân hàng trung ương lớn. Tuy nhiên, dự báo lần này mang tính chất tích cực hơn cách đây ba tháng do chính phủ Mỹ tránh được rủi ro vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Bên cạnh đó, nỗi lo về sự quay trở lại của khủng hoảng tài chính toàn cầu sau khi Credit Suisse và nhiều ngân hàng Mỹ sụp đổ cũng dần tan biến nhờ vào những nỗ lực kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.
Nhưng kinh tế toàn cầu chưa thể thực hiện một bước đại nhảy vọt khi vẫn đứng trước nhiều thách thức. Lạm phát tại nhiều khu vực tiếp tục neo cao khiến các ngân hàng trung ương chưa thể tự tin dừng tăng lãi suất.
"Trong khi suy thoái không còn xuất hiện trong mô hình dự báo của chúng tôi, rủi ro kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm vẫn còn đó. Và những rủi ro đó sẽ tăng thêm nếu Fed chưa chạm tới điểm kết thúc quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ", Feroli, Kinh tế trưởng JPMorgan Chase, chia sẻ trong báo cáo triển vọng kinh tế Mỹ mới nhất.
Xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa biết khi nào chấm dứt, qua đó duy trì rủi ro xuất hiện một cú sốc bất ngờ như trên thị trường năng lượng và thực phẩm hồi năm ngoái.
Quan trọng nhất, đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc không giống như mong đợi khi nước này vẫn loay hoay tìm phương hướng giải quyết những vấn đề nội tại. Kinh tế toàn cầu vẫn đang nghiêng về chiều hướng bất lợi, IMF cho hay.
Nhưng vẫn tồn tại những lý do để hy vọng. Hy vọng đó bắt nguồn từ những lời cam kết đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc; từ khả năng Fed sớm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ, qua đó hiện thực hóa mục tiêu hạ cánh mềm; và từ sức bật của những nền kinh tế tiềm năng như Ấn Độ và Đông Nam Á.