1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế Trung Quốc liên tiếp đón tin không vui

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát với chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất giảm so với cùng kỳ. Đây có thể là mối đe dọa đối với nền kinh tế và khiến các vấn đề của nước này trầm trọng hơn.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 giảm 0,3% so với năm ngoái. Lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, CPI của nước này đi xuống. Chỉ số này đã cận kề mức giảm phát từ vài tháng nay.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, cả CPI và PPI của Trung Quốc cùng giảm.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 14,5%, trong khi nhập khẩu giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Cả 2 con số này đều giảm mạnh hơn so với dự báo của các nhà phân tích.

Kinh tế Trung Quốc liên tiếp đón tin không vui  - 1

Kim ngạch xuất khẩu của Mexico, Canada và Trung Quốc sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2023 và cùng kỳ năm 2022 (Ảnh: Bloomberg).

Theo số liệu mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong 6 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 203 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này chưa được điều chỉnh theo lạm phát.

Với giá trị xuất khẩu sang Mỹ như trên, Trung Quốc hiện là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ ba cho Mỹ, sau Mexico và Canada, 2 quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Mỹ. Trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ từ Mexico tăng 5,4%.

Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giá giảm hiếm hoi, khi cả nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đều suy yếu. Kinh tế Trung Quốc từng bùng nổ trong quý I sau khi chính phủ nước này chấm dứt phong tỏa vào cuối năm ngoái.

Kinh tế Trung Quốc liên tiếp đón tin không vui  - 2

Chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, thị trường bất động sản trì trệ, nhu cầu xuất khẩu lao dốc và chi tiêu tiêu dùng trong nước ảm đạm là những yếu tố đang đè nặng lên đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, Cục Thống kê Trung Quốc cho rằng CPI giảm do mức nền năm ngoái cao. Họ khẳng đây có thể là hiện tượng tạm thời và nhu cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục cải thiện trong tháng 7.

"Khi tác động từ mức nền cao của cùng kỳ dần dần biến mất, CPI có thể hồi phục dần dần", Dong Lijuan, chuyên gia thống kê tại NBS, chia sẻ với Bloomberg.

Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây có thể là mối đe dọa đối với nền kinh tế khi người tiêu dùng và doanh nghiệp có xu hướng trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm khiến các vấn đề thêm trầm trọng.

Nhu cầu giảm buộc các công ty phải cắt giảm sản xuất, ngừng tuyển dụng hoặc sa thải công nhân, đồng thời phải đưa ra các đợt giảm giá để bán bớt lượng hàng tồn của họ. Những điều này đều ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, ngay cả khi chi phí vẫn giữ nguyên.

Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do sự lao dốc của giá thịt lợn, loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở nước này.

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm