Kinh tế Singapore ảnh hưởng tiêu cực, suy thoái năm 2020 vì "thương chiến" Mỹ - Trung
(Dân trí) - "Là một nền kinh tế mở nhỏ phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu, nền kinh tế Singapore sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất và có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020", Báo cáo về tác động xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa được Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) có văn phòng tại Việt Nam đưa ra.
Theo tổ chức này, bối cảnh thương mại toàn cầu đang chậm lại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, đã và đang khiến các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn.
Dự kiến quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á (ĐNA) sẽ giảm từ 5,3% trong năm 2018 xuống còn 4,8% trong năm nay, trước khi giảm nhẹ xuống 4,7% vào năm 2020.
Theo số liệu của IMF, quy mô GDP của các nước ASEAN năm 2018 là 2.974 tỷ USD, trong đó Indonesia chiếm 1.075 tỷ USD, Thái Lan hơn 484 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 6 với hơn 241 tỷ USD.
Theo ICAEW, chính sự đảo ngược chính sách mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và lạm phát được kìm nén trong khu vực đã mở cửa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong toàn khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại gia tăng trong việc Mỹ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc, sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng trong khu vực suy giảm đáng kể.
"Là một nền kinh tế mở nhỏ phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu, nền kinh tế Singapore sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất và có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020", Báo cáo của ICAEW viết.
Theo tổ chức của Anh, hiện căng thẳng Mỹ-Trung đã leo thang thêm và Mỹ đã nâng thuế suất từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc trả đũa bằng cách nâng thuế suất từ 5% −25% đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Mỹ cũng đã công bố thêm một danh mục hàng hóa trị giá 300 tỷ USD, ngụ ý rằng gần như tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể phải đối mặt với mức thuế suất cao hơn.
Tổ chức này khẳng định: "Những diễn biến gần đây cho thấy khó để đạt được thỏa thuận về một loạt các chính sách và thực tiễn về công nghệ, tiếp cận thị trường và sở hữu trí tuệ, để có thể đủ thỏa mãn về phía Mỹ và chấp nhận được với Trung Quốc".
ICAEW cũng khẳng định: Sự leo thang trở lại của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào thời điểm tăng trưởng xuất khẩu trên toàn khu vực ĐNA đang trong tình trạng ảm đạm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu, sự chậm lại trong chu kỳ phát triển công nghệ thông tin toàn cầu và sự gia tăng bảo hộ thương mại trong năm qua.
Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng giảm so với năm ngoái, dự kiến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế nói chung sẽ chịu áp lực lớn hơn do nhu cầu nhập khẩu suy yếu của Trung Quốc. Báo cáo của tổ chức nói trên khẳng định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm xuống 6,7% trong năm 2019.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, cho biết: “Căng thẳng thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào thời điểm tăng trưởng xuất khẩu trên khắp Đông Nam Á đang phải đối mặt với môi trường bên ngoài khó khăn. Tuy nhiên, về tương lai, Việt Nam cần thiết phải cải cách cơ cấu để cải thiện khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, cũng như đảm bảo giáo dục và đào tạo đầy đủ để tăng khả năng mở rộng sản xuất".
An Linh