1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thương chiến Trung - Mỹ leo thang và điện, xăng tăng giá: Có lo vĩ mô bất ổn?

Tỷ giá ngoại tệ

(Dân trí) - Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang trở lại từ giữa tháng 5 đã khiến tỷ giá USD/VND biến động mạnh. Trong khi lãi suất khó có cơ hội giảm thì lạm phát cũng đối mặt một số rủi ro nhất định dù mức tăng CPI trong tháng 6 khả năng sẽ thấp hơn tháng 5.

Trong báo cáo vĩ mô vừa mới phát hành, nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 5 nhìn chung khá ổn định bất chấp xung đột thương mại Mỹ – Trung leo thang trở lại. Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần dao động quanh mức 3,3%/năm trong tháng 5.

Trong tháng vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hoạt động bơm/hút vốn ròng xen kẽ giữa các tuần. Lũy kế từ đầu năm đến nay, NHNN đang ở vị thế hút ròng khoảng 115 nghìn tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) và tín phiếu.

Trong khi đó, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Theo dự báo của BVSC, trong bối cảnh lạm phát đang nhích dần và những rủi ro đối với thị trường tài chính do xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, mặt bằng lãi suất khó có cơ hội giảm trong thời gian tới.

Thương chiến Trung - Mỹ leo thang và điện, xăng tăng giá: Có lo vĩ mô bất ổn? - 1

Lãi suất khó có cơ hội giảm (ảnh minh hoạ VTV)

Thống kê cho thấy, chỉ số CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4/2019 và tăng 2,88% so với cùng kỳ. Nhóm chỉ số giá giao thông (tăng 2,64%) và nhà ở, vật liệu xây dựng (tăng 1,28%) là hai nhóm hàng tăng giá mạnh nhất trong tháng 5 do tác động của việc tăng giá xăng dầu (2 đợt) và tăng giá điện.

Giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ 0,05% (bất chấp việc giá xăng, giá điện tăng) chủ yếu nhờ giá thịt lợn vẫn duy trì mức thấp do dịch tả lợn châu Phi.

BVSC dự báo CPI tháng 6 tới sẽ có mức tăng thấp hơn tháng 5 do giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm tạo điều kiện để giá xăng dầu trong nước giảm; tác động của việc tăng giá điện đã phản ánh đáng kể vào CPI hai tháng vừa qua; dịch tả lợn châu Phi cũng tiếp tục gây sức ép lên giá thịt lợn.

Theo BVSC, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, rủi ro đối với CPI trong thời gian tới có thể đến từ nhóm hàng thịt lợn khi nguồn cung đang suy giảm do dịch bệnh sẽ có tác động mạnh lên giá nhóm hàng này trong 2-3 quý tới.

Ngoài ra, xu hướng tăng của lạm phát lõi cũng khá rõ ràng, không tạo điều kiện thuận lợi để NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ với quy mô lớn.

Báo cáo của BVSC cũng cho thấy, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang trở lại từ giữa tháng 5 đã khiến tỷ giá USD/VND biến động mạnh. So với cuối năm 2018, VND hiện đã giảm giá khoảng 0,8% so với USD.

Bên cạnh đó, đồng tiền của các nước mới nổi tại châu Á giảm giá mạnh trong tháng 5 trước ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ-Trung. Sau khi tăng giá tốt trong 4 tháng đầu năm, nhiều đồng tiền đã yếu đi đáng kể, quay trở về trạng thái mất giá so với USD sau 5 tháng đầu năm, trong đó mạnh nhất là Won của Hàn Quốc (giảm 6,7%).

Chỉ số USD có xu hướng tăng trong 1 tháng trở lại đây. So với cuối 2018, USD hiện đã tăng 1,9%. BVSC dự báo USD có thể duy trì xu hướng tăng nhẹ từ giờ cho tới cuối năm, đặc biệt có khả năng tăng mạnh nếu đàm phán thương mại Mỹ-Trung không đạt được thỏa thuận từ giờ tới cuối tháng 6 khi nhà đầu tư toàn cầu tìm đến các tài sản an toàn.

Mai Chi