1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Không nước nào ngồi im chờ phát triển nhờ một cuộc thương chiến, Việt Nam cũng vậy!

(Dân trí) - Chiến tranh thương mại được cho rằng gây tác động đến hầu như tất cả các vấn đề trong phát triển kinh tế và tài chính. Không có quốc gia nào nằm ngoài "cuộc chiến" và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ....

Không nước nào ngồi im chờ phát triển nhờ một cuộc thương chiến, Việt Nam cũng vậy! - 1

"Chẳng có quốc gia nào lại chỉ ngồi im và trông chờ sự phát triển của mình vào một cuộc chiến giữa hai quốc gia khác cả".

Chiến tranh thương mại, lợi hại đều có với Việt Nam

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ hồi tháng 7 năm ngoái. Sau một thời gian đình chiến, đến đầu tháng 5 năm nay, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết.

Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.

Chiến tranh thương mại được cho rằng gây tác động đến hầu như tất cả các vấn đề trong phát triển kinh tế và tài chính. Không có quốc gia nào nằm ngoài "cuộc chiến" và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta có thể thấy dễ dàng bắt gặp ở rất nhiều nơi cụm từ "do bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung".

Nói với Dân trí, TS. Quách Mạnh Hào - Giảng viên Đại học Lincoln (Vương quốc Anh) cho rằng, các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế chịu ảnh hưởng khác nhau, có thể tiêu cực hoặc hưởng lợi.

Ví dụ như việc Trung Quốc chủ động giảm giá nhân dân tệ (NDT) để đối phó cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. “NDT giảm giá dẫn tới các doanh nghiệp Việt Nam có liên quan tới sản xuất công nghiệp, chế tạo, dệt may chịu ảnh hưởng trực tiếp do máy móc thiết bị, nguyên liệu dệt may, hay linh kiện điện tử - những mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc - sẽ trở nên rẻ hơn”, ông Hào phân tích.

Tuy nhiên đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản – những hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt hơn và các doanh nghiệp mà thị trường chủ yếu là Trung Quốc sẽ bị tác động tiêu cực. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động tại các thị trường khác có thể lại được hưởng lợi.

Mô hình kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kim ngạch thương mại với Trung quốc. Trong khi những hàng hóa Trung Quốc dễ dàng tràn ngập thị trường Việt Nam thì ở chiều ngược lại chúng ta vốn đã không làm tốt giờ lại thêm yếu tố cạnh tranh về giá.

“Ở cấp độ doanh nghiệp và ngành riêng lẻ, tác động phụ thuộc vào từng mô hình kinh doanh cụ thể. Nhưng ở cấp độ nền kinh tế nói chung, tác động tiêu cực trong ngắn hạn về mặt thương mại là điều khó tránh”, ông Hào nhận định.

Đó là trong lĩnh vực thương mại, còn trong lĩnh vực đầu tư, ông Hào cho rằng chiến tranh thương mại mang lại cơ hội cho Việt Nam đón dòng vốn dịch chuyển.

“Hãy nhìn vào các con số, chẳng hạn như dự trữ ngoại tệ đạt hơn 60 tỷ USD gần đây so với hơn 20 tỷ USD 5 năm trước, hay vốn FDI giải ngân năm 1018 đạt gần 20 tỷ so với khoảng 11 tỷ USD 5 năm trước… là có thể hình dung về nhận định này”, ông Hào nhận định.

Điều đặc biệt là vốn đầu tư, gần 50%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo – lĩnh vực mà Trung Quốc chịu ảnh hưởng bới chiến tranh thương mại với Mỹ.

Trong khi đó, ở một góc nhìn kém tích cực hơn, chủ một doanh nghiệp nói với phóng viên: “Mọi người vẫn nói Việt Nam là nước hưởng lợi trong cuộc chiến này. Nhưng tôi cho rằng, với những biện pháp đáp trả nhau giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới, chúng ta đều sẽ bị thiệt”.

Khi hàng rào thuế quan được đẩy lên mức độ mới, tất cả hàng hóa đi theo chuỗi cung ứng toàn cầu đều sẽ bị tác động. Với xu thế kinh tế mở như hiện nay, rõ ràng đây không chỉ là câu chuyện của riêng hai cường quốc, nó còn liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau.

Một điểm đáng lưu ý, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, vậy nên việc nhận định có lợi hay có hại dưới tác động của cuộc thương chiến này cần được gắn với những ngành nghề, lĩnh vực, thậm chí riêng từng nhóm doanh nghiệp.

“Lợi thế về nhân công giá rẻ”, câu cửa miệng đã lỗi thời

Trong một bài phân tích mới đây, Bloomberg đã đưa ra một nhận định tâm đắc: “Mấu chốt là, chẳng có quốc gia nào lại chỉ ngồi im và trông chờ sự phát triển của mình vào một cuộc chiến giữa hai quốc gia khác cả”.

Theo nhận xét của tờ này, Việt Nam đã tự mình thực hiện rất nhiều chuyển đổi về cả ổn định chính trị, kinh tế cũng như các chính sách tiền tệ và tài khóa. Không có tranh chấp thương mại, chi phí lao động và sản xuất ở Việt Nam vẫn rẻ, kinh tế Việt Nam vẫn hội nhập sâu và Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất.

Các chuyên gia trong nước cũng cho rằng, Việt Nam không thể ngồi “im”, sẽ cần phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa, làm tốt giáo dục tốt hơn và thúc đẩy chuỗi giá trị hơn nữa nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Đặc biệt cần chú trọng đối với dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển vào Việt Nam - điều mà các chuyên gia nhắc đến như một cơ hội đối với nền kinh tế.

Theo quan điểm của TS. Quách Mạnh Hào: Cơ hội để hưởng lợi là có, song vấn đề quan trọng là liệu Việt Nam có thể biến sự dịch chuyển ngắn hạn nhằm tránh chiến tranh thương mại của các doanh nghiệp nước ngoài thành sự lưu trú dài hạn của họ hay không?

“Lợi thế về nhân công giá rẻ, vốn là câu cửa miệng của các nhà xúc tiến đầu tư trong quá khứ, tôi nghĩ là đã rất lỗi thời và không còn quan trọng nữa. Chính phủ và các nhà tạo lập chính sách sẽ rõ hơn tôi là cần phải làm gì, nhưng tôi có thể nhìn thấy rằng họ đang rất muốn tạo lập một môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Hào nhận định.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục đầu tư, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Việc mở cửa sâu rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn nguồn vốn sẵn có, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn tài chính trong nước có sự thắt chặt hơn…

Nguyễn Mạnh