1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, chuyển loạt vụ sang cơ quan cảnh sát điều tra

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 8 vụ việc và cung cấp 830 hồ sơ, trong đó nhiều vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thông tin nêu trên được đưa ra tại Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Theo báo cáo, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm toán với 178 nhiệm vụ. Trong đó, cơ quan kiểm toán đã thực hiện nhiều chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng được dư luận xã hội quan tâm; những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Tính đến 15/12/2022, với 293 báo cáo kiểm toán đã phát hành, cơ quan kiểm toán kiến nghị 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 3.070 tỷ đồng, giảm chi NSNN 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, chuyển loạt vụ sang cơ quan cảnh sát điều tra - 1

Năm 2022, cơ quan kiểm toán kiến nghị xử lý số tiền lên tới 55.906 tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản pháp luật không phù hợp.

Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Trong năm 2022, KTNN đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 5 dự án quan trọng quốc gia, báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023…

Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, KTNN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời giải quyết dứt điểm theo quy định.

Tổng hợp đến ngày 15/12/2022, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị 47.529,2 tỷ đồng, đạt 70,61%; kiến nghị về cơ chế chính sách, thực hiện 25/198 văn bản; 24/95 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Trong năm 2022, KTNN đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đồng thời cung cấp 830 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra của Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Trong số đó có nhiều vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Riêng cuộc kiểm toán chuyên đề "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ", KTNN cho biết đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ ngay trong quá trình kiểm toán, kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang cơ quan thanh tra để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.

Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm trước, tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước. Những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cũng sẽ nằm trong diện kiểm toán năm tới.

Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 23 chuyên đề trong đó có một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có phạm vi rộng. Cụ thể như chuyên đề "việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022"; chuyên đề "việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022"; Chuyên đề "việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022 tại Bộ Tư Pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và các tỉnh Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu"…

Ở lĩnh vực xây dựng và việc quản lý vốn đầu tư công, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó, có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng; dự án đường ven biển Việt Nam, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng...

Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tại 14 tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Ở lĩnh vực quốc phòng, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 11 nhiệm vụ kiểm toán gồm: Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 tại 8 đầu mối; kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2022 tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng sân bay quân sự tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và Dự án nâng cấp, cải tạo Sân bay Chu Lai/Quân chủng Phòng không - Không quân; kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng ngân sách thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế xã hội của các đoàn kinh tế quốc phòng giai đoạn 2020-2022…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm