Kiểm toán Nhà nước vạch loạt bất cập trong giao vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018. Qua đó chỉ ra nhiều bất cập trong việc quản lý và sử dụng vốn tại một số cơ quan, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước vạch loạt bất cập trong giao vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - 1
Qua kiểm toán nhận thấy công tác giao kế hoạch vốn tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhiều bất cập.

Bố trí vốn không đúng Nghị quyết của Quốc hội

Cụ thể về dự toán chi đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước cho biết dự toán Quốc hội quyết định 357.150 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 283.116 tỷ đồng, vốn ngoài nước 74.034 tỷ đồng.

Qua kiểm toán nhận thấy công tác giao kế hoạch vốn tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhiều bất cập như việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 nguồn NSNN 4 lần sau ngày 20/12/2016 chưa tuân thủ với quy định.

Ngoài ra Bộ này cũng bị nêu rõ là “chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thành, các dự án đăng ký nhu cầu vốn hoàn ứng, dự án đăng ký nhu cầu vốn trả nợ; bố trí vốn khởi công mới không phù hợp, không đảm bảo thứ tự ưu tiên; giao kế hoạch vốn ngoài nước cho 4 Dự án đường cao tốc của VEC 5.338 tỷ đồng không đúng Nghị quyết của Quốc hội”.

Bên cạnh đó theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã giao kế hoạch vốn cho một số chương trình mục tiêu chưa phù hợp với đối tượng, mục tiêu, phạm vi của chương trình 1.660 tỷ đồng.

Trong đó, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng 971 tỷ đồng, Chương trình phát triển hạ tầng du lịch 568 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin 108 tỷ đồng và một số chương trình khác 13,3 tỷ đồng…

Ngoài ra, Bộ này còn phê duyệt cơ cấu vốn NSTW trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định 19,6 tỷ đồng, phân bổ vốn NSTW cho bố trí vốn cho Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 không phù hợp với thời gian thực hiện chương trình, đến nay vốn đầu tư mới bố trí đạt 16%, trong đó vốn NSTW mới bố trí được 27% (2.606/9.656 tỷ đồng) dẫn đến có nguy cơ không đạt được các mục tiêu của chương trình đã đặt ra.

Trước thực trạng nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chỉnh phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 04 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; trong khi chưa được chấp thuận tiến hành các thủ tục điều chỉnh giảm KHĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 của 04 dự án VEC 22.010 tỷ đồng; thu hồi kế hoạch vốn đã giao cho 04 dự án VEC năm 2016 là 3.866 tỷ đồng, năm 2017 là 5.338 tỷ đồng và năm 2018 là 2.319 tỷ đồng.

Đồng thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với việc xác định cơ cấu nguồn vốn NSTW trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định.

Bộ này cũng cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiến hành đánh giá sơ kết các chương trình mục tiêu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số nội dung, phạm vi tại các Quyết định phê duyệt chương trình nhằm phù hợp, đồng bộ với các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, căn cứ khả năng cân đối của NSNN giai đoạn 2016 - 2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí đủ nguồn vốn đã được phê duyệt tại Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ (hiện trong KHĐTC trung hạn đang bố trí thiếu 130.567,6 tỷ đồng vốn trong nước cho 21 CTMT).

Nhiều địa phương để xảy ra bất cập trong bố trí vốn

Tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước cũng đã nêu rõ một số bất cập xảy ra trong công tác xây dựng, giao kế hoạch vốn tại một số cơ quan, địa phương.

Trong đó có Đà Nẵng chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm như Hà Nội, không trình HĐND xem xét, cho ý kiến về danh mục và mức vốn phân bổ cho từng công trình sử dụng các nguồn vốn: NSTW, ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (TP. HCM); phân bổ một số lĩnh vực thấp hơn như Tiền Giang hoặc vượt mức quy định như Ninh Bình.

Tại 14/49 địa phương được kiểm toán (TP. Hà Nội, Hải Phòng; tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hải Dương, Lai Châu, Khánh Hòa, Bình Phước) phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế.

TP. Đà Nẵng, Hải Phòng; tỉnh: Bạc Liêu, Bình Định, Bình Phước, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Dương… phân bổ khi chưa đủ điều kiện.

“Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương bố trí vốn còn dàn trải (dự án nhóm B quá 05 năm, nhóm C quá 03 năm), chưa đúng thứ tự ưu tiên, chưa bố trí thu hồi vốn ứng trước; ứng trước kế hoạch vốn sai quy định”, báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Ngoài ra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của một số địa phương và của Đài THVN (vốn từ nguồn thu để lại) chưa được phê duyệt; bố trí vốn kế hoạch đầu tư công cho một số dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên…

Nguyễn Mạnh