Siêu dự án đội vốn 30.000 tỷ đồng: Có tiền mà không tiêu được

UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh dự án tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng khi chưa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Điều này đã khiến cho dự án có tiền cũng chưa tiêu được ngay.

Bộ từ chối ứng trước hơn 2.100 tỷ đồng
 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tạm ứng vốn cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1), Bến Thành - Suối Tiên - dự án đang triển khai cầm chừng từ nhiều năm nay.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết theo kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài, trong giai đoạn 2016-2020 dự án sẽ được giao khoảng 7.559 tỷ đồng.

Thế nhưng đến nay, dự án mới được giao khoảng 4.029 tỷ đồng trong hai năm 2016-2017, hai năm gần đây 2018-2019 dự án metro Bến Thành - Suối Tiên không được giao thêm vốn.

Siêu dự án đội vốn 30.000 tỷ đồng: Có tiền mà không tiêu được - 1

Metro Bến Thành - Suối Tiên.

Lý do là dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư, đồng thời chưa xác định rõ được giá trị vay lại hoặc cấp phát vốn vay nước ngoài từ ngân sách trung ương.

Trước tình trạng đói vốn của dự án này, UBND TP.HCM từng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách trung ương 2.158,5 tỷ đồng của TP. UBND TP.HMC cam kết chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn cho dự án.

Thế nhưng, đây lại là điều khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư băn khoăn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay việc bố trí kế hoạch hàng năm vốn ngân sách trung ương cho dự án còn vướng mắc cũng chỉ vì “dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư”.

Bộ này cho rằng nếu cho phép metro Bến Thành - Suối Tiên ứng trước vốn vay nước ngoài sẽ không đúng Luật ngân sách nhà nước. Bởi vì chưa có cơ sở khẳng định khả năng bố trí vốn năm sau cho dự án để thu hồi hết số vốn ứng trước.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, và TP.HCM phối hợp làm rõ giá trị vốn cấp phát từ trung ương và số liệu đã giải ngân của dự án.

Đồng thời, đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án để có cơ sở đề xuất giao giá trị vốn vay, cấp phát vốn. Trường hợp dự án còn hạn mức cấp phát từ trung ương - vốn vay nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ trình Thủ tướng giao ngay trong năm 2019.

Theo kế hoạch trong năm 2019, TP.HCM được trung ương giao 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương - vốn vay nước ngoài, đến nay mới giao cho các dự án của thành phố 199 tỉ đồng, còn 801 tỷ đồng chưa giao.

Ngoài nguồn vốn này có thể bố trí cho metro Bến Thành - Suối Tiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng khẳng định có thể kiến nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thêm vốn cho dự án từ nguồn vay 5.104 tỷ đồng mà Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị giảm dự toán trong kế hoạch đầu tư trong năm 2019.

Trong trường hợp ngân sách Trung ương không thể tạm ứng cho dự án, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho thành phố này được thực hiện tạm ứng từ ngân sách thành phố với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng.

Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng.

Siêu dự án đội vốn 30.000 tỷ đồng: Có tiền mà không tiêu được - 2

Dự án này đang thiếu vốn trầm trọng.

Bộ này cho rằng: Dự án được thực hiện từ vốn ngân sách trung ương cấp phát và vốn do thành phố vay lại. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu vốn cấp phát/cho vay lại của dự án chưa được các cơ quan thống nhất. Do đó, trường hợp cần thiết, cấp bách, TP.HCM xem xét, tự quyết định việc sử dụng vốn ngân sách thành phố để thực hiện dự án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành.

Vì sao không thể tiêu được?

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án metro Bến Thành - Suối Tiên năm 2007 là hơn 17,3 nghìn tỷ đồng, đến năm 2011 được điều chỉnh lên hơn 47,3 nghìn tỷ đồng (tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng). Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 41,8 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố.

Lý do khiến tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng mạnh, báo cáo của Chính phủ giải thích là do sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009.

Ngoài ra, dự án được tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn. Cụ thể, tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm mục tiêu thiết kế là năm 2040 (thay vì năm 2020 như trong dự án đầu tư).

Điều đáng nói, từ năm 2011, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh dự án tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng “khi chưa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định”. Điều này đã khiến cho dự án “chưa chặt chẽ về cơ sở pháp lý” như đã nói ở trên. Đó cũng là lý do khiến có tiền mà chưa tiêu được cho dự án này.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng chia sẻ: Dự án ban đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ đồng, nhưng sau điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng. Theo quy định, dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng thì phải báo cáo Quốc hội.

Cho nên, vấn đề “đói vốn” tại dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chỉ được tháo gỡ phần nào nếu như được Quốc hội thông qua việc điều chỉnh vốn đầu tư lên 47.000 tỷ đồng.

Theo Lương Bằng
VietnamNet