Khủng hoảng Ukraine phủ bóng đen lên thị trường tài chính toàn cầu
(Dân trí) - Giữa lúc căng thẳng tại Ukraine đang ngày một tăng nhiệt với nguy cơ xung đột quân sự cận kề, các thị trường tài chính thế giới đang phản ứng đầy tiêu cực. Và theo các chuyên gia, tình hình những ngày tới có thể còn khó lường.
Theo Business Insider, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật đã lao dốc tới 2,5% trước khi phục hồi trở lại. Tính tới 12 giờ 11 phút giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei đứng tại 14.550,96 điểm, giảm 1,95%. Trong khi đó các hợp đồng hàng hóa tương lai trên thị trường Mỹ cũng mất giá, còn nhà đầu tư đua nhau tháo lui khỏi các kênh đầu tư rủi ro cao.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Trước đó, các hợp đồng tương lai trên sàn S&P 500 đã sụt giảm 1,1% ngay khi những căng thẳng địa chính trị tại Ukraine bắt đầu phủ bóng đen lên các thị trường tài chính tòan cầu. Giá vàng và trái phiếu Bộ tài chính Mỹ tăng cao, trong khi đồng USD suy yếu so với Yên Nhật, nhưng tăng giá so với Euro.
Hợp đồng dầu thô tương lai trên thị trường Mỹ đã tăng khoảng 1,6%, lên quanh mức 104,3 USD/thùng, giữa lúc các nhà đầu tư dõi theo các diễn biến cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga.
“Tôi nghĩ từ khía cạnh thị trường, điều thú vị nhất cần chú ý tới lúc này đó là giá dầu mỏ”, Bartosz Pawlowski, trưởng chiến lược gia các thị trường mới nổi toàn cầu của ngân hàng BNP Paribas nhận định. “Về lý thuyết, giá sẽ tăng, nhưng những ngày gần đây sự lo lắng vẫn chưa nhiều”.
Tháo chạy tới “vịnh tránh bão”
Mặc dù Ukraine là một nền kinh tế nhỏ, với GDP nhỏ hơn cả của Peru, căng thẳng ngày càng leo thang giữa Kiev và Moscow lại có ảnh hưởng lớn tới các quốc gia láng giềng cũng như các ngân hàng châu Âu.
Các nhà quản lý quỹ cho rằng, cuộc khủng hoảng sẽ khiến nhà đầu tư khắp thế giới đổ xô tìm đến các tài sản an toàn nhất, dẫn tới sự lên giá của đồng USD và các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi sẽ bị tổn thương nhiều hơn nữa.
“Nếu tình hình không lắng dịu lại trong những ngày tới, chúng ta sẽ thấy làn sóng tháo chạy tới các “vịnh tránh bão”, điều đó có nghĩa là luồng vốn sẽ tiếp tục đổ xô vào đồng Franc Thụy Sỹ và trái phiếu Bộ tài chính Mỹ”, ông Simon Quijano-Evans, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi của ngân hàng Commerzbank nhận định.
Các nhà đầu tư sẽ dè chừng hơn với các ngân hàng châu Âu, những người đang đầu tư vào Ukaine tới 23 tỷ USD, số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cho biết. Nếu cuộc khủng hoảng còn tăng nhiệt, các thị trường cũng sẽ bắt đầu đánh giá lại các khoản đầu tư của các định chế tài chính vào Nga, nơi các ngân hàng châu Âu đang đầu tư lớn hơn nhiều, khoảng 184 tỷ USD, ông Quijano-Evans nói tiếp.
Giá năng lượng chắc chắn sẽ biến động, bởi Ukraine có một vị trí quan trọng trong việc vận chuyển khí đốt của Nga tới thị trường châu Âu. Theo ngân hàng Commerzbank của Đức, Nga đáp ứng tới 22% nhu cầu gas của EU, và lượng gas này chỉ được chuyển qua 3 tuyến chính trong khu vực.
Nếu các đường ống qua Ukraine bị gián đoạn, Nga sẽ không thể bù đắp được lượng khí đốt thiếu hụt thông qua các đường ống thay thế, nếu nước này vẫn muốn tiếp tục bán khí đốt cho EU.
Một số nhà quan sát hiện đã so sánh cuộc khủng hoảng tại Ukraine với những ngày đen tối của thời kỳ Chiến tranh lạnh, đặc biệt là khi Liên Xô (cũ) can thiệp vào Cộng hòa Séc và Slovakia năm 1968.
Tina Fordham, nhà phân tích chính trị cấp cao của Citi Global Markets khẳng định cuộc khủng hoảng hiện tại chính là “sự kiện rủi ro địa chính trị lớn nhất trong vài năm qua”.
Khủng hoảng tại Ukraine khiến đám mây đen vốn đã vần vũ trên các thị trường mới nổi thêm dày đặc, sau một thập niên kinh tế phát triển tích cực. Những năm gần đây, nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh hơn và các yếu tố kinh tế nền tảng tại các quốc gia đang phát triển được cải thiện đã thu hút sự quan tâm khổng lồ từ các nhà đầu tư.
Nhưng nay, sự quan tâm này đang đảo chiều. Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã rớt 5% trong năm ngoái, cho dù các thị trường phát triển tăng tốc. Chỉ riêng từ đầu năm tới nay, chỉ số này tiếp tục sụt 3,6%.
Mặc dù Ukraine không phải thành viên của chỉ số MSCI các thị trường mới nối, bởi nước này được xem là thuộc nhóm thị trường phát triển thấp, sự khác biệt giữa hai khái niệm này đang dần mờ nhạt trong con mắt các nhà quản lý quỹ.
Tương tự, Nga chiếm trọng số 5,6% trong chỉ số các thị trường mới nổi, và là thành viên của nhóm các quốc gia BRIC - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - vốn là nền tảng của hoạt động đầu tư vào các thị trường mới nổi.
Michael Gregory, phó kinh tế gia trưởng tại quỹ BMO Nesbitt Burns tin rằng những diễn biến mới tại Ukraine chỉ làm trầm trọng thêm một thị trường vốn đã dễ dao động. “Sự tham gia của Nga chỉ đẩy mọi chuyện lên một mức độ hoàn toàn khác”, ông Gregory nói. Chuyên gia này nhận định, các nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi các tài sản được xem như rủi ro cao để mua vào các tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tổng hợp