Tiền viện trợ Ukraine sẽ “chạy” sang Nga như thế nào?
(Dân trí) - Phương Tây đang chuẩn bị cho Ukraine vay nhiều tỷ USD để vực dậy nền kinh tế và tránh phá sản cấp quốc gia. Tuy nhiên, một phần lớn số tiền này rất có thể sẽ rơi vào tay Nga.
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk- Ảnh: AP.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo hãng tin CNBC, thỏa thuận hiện có giữa Nga và Ukraine sẽ buộc chuyển tiền ngay lập tức và trực tiếp từ Ukraine sang Nga. Và điều này hoàn toàn hợp pháp.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí cho Ukraine vay 15 tỷ USD. Có rất ít chi tiết về thỏa thuận này được công bố vào thời điểm đó, ngoại trừ việc Ukraine sẽ phát hành trái phiếu và Nga sẽ mua trái phiếu này theo đợt cho tới hết năm 2014.
Đợt mua trái phiếu đầu tiên và duy nhất diễn ra vào cuối tháng 12, khi ông Viktor Yanukovych vẫn còn đang là Tổng thống của Ukraine. Đợt mua thứ hai dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2/2014, nhưng không bao giờ được thực hiện, bởi ông Yanukovych đã bị phế truất và chạy sang Nga, một Chính phủ mới thân phương Tây được thành lập ở Kiev.
Số trái phiếu mà Nga đã mua của Ukraine vào tháng 12/2013 có trị giá 3 tỷ USD, với thời điểm phát hành là ngày 24/12. Lãi suất cuống phiếu của số trái phiếu này khá thấp, chỉ ở mức 5%. Tiền lãi trái phiếu sẽ được thanh toàn 1 năm hai lần, vào ngày 20/6 và 20/12. Đây là một khoản nợ ngắn hạn và sẽ đáo hạn vào ngày 20/12/2015.
Đáng chú ý, luật của Anh được áp dụng cho số trái phiếu nói trên, và các vấn đề pháp lý xảy ra sẽ chỉ được xử lý bởi các tòa án của Anh.
Tuy nhiên, đặc biệt hơn cả lại là một điểm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới tiền cứu trợ mà phương Tây dự định sẽ dành cho Ukraine. Điểm này quy định: “Chừng nào số trái phiếu còn lưu hành, nhà phát hành phải đảm bảo rằng, tổng nợ quốc gia và các khoản nợ được nhà nước bảo lãnh không lúc nào được vượt quá mức tương đương 60% GDP danh nghĩa hàng năm của Ukraine”.
Với quy định như vậy, ngay khi phương Tây hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cấp một khoản vay lớn cho Ukraine, nước này gần như chắc chắn sẽ có tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP vượt mức 60%. Ngay lập tức, số trái phiếu bán cho Nga sẽ rơi vào trạng thái “vỡ nợ”.
Diễn biến này cho phép Moscow đòi Kiev phải trả nợ ngay lập tức. Khi đó, việc dùng tiền cứu trợ để trả nợ cho Nga gần như là gần như không thể tránh khỏi.
Ngoài số trái phiếu nói trên, Ukraine còn có thể phải dùng tiền cứu trợ để thanh toán các khoản khác còn nợ Nga, đặc biệt là tiền mua khí đốt. Tập đoàn Gazprom của Nga mới đây cho biết, Ukraine đã nợ họ gần 2 tỷ USD tiền khí đốt. Nga là nguồn cung cấp 60% nhu cầu khí đốt của Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã tuyên bố sẽ cho Ukraine vay 15 tỷ USD, Mỹ dự định hỗ trợ 1 tỷ USD, còn Ngân hàng Thế giới có thể cho nước này vay 3 tỷ USD.
Nền kinh tế Ukraine đã suy thoái từ giữa năm ngoái và còn phải đối mặt với tình trạng giảm phát. Tháng trước, Chính phủ nước này cho biết, thâm hụt ngân sách năm 2013 tăng 21,2% so với năm 2012. Quốc khố Ukraine khi Chính phủ mới được thành lập ở Kiev đã trống rỗng.
Sau cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, giới đầu tư trái phiếu và chủ nợ trên khắp thế giới ngày càng quan tâm tới việc chọn quốc gia và hệ thống luật pháp nào để quản lý nợ. Nếu trái phiếu được phát hành theo luật của nước phát hành, thì lãnh đạo của nước đó có thể thay đổi luật bất kỳ lúc nào, tạo ra tình thế bất lợi cho các chủ nợ.
Điều đã xảy ra ở Hy Lạp khi nước này rơi vào khủng hoảng nợ công. Rốt cục, các chủ nợ trái phiếu của Athens đã thiệt hại lớn.
Phương Anh
Theo CNBC
Theo CNBC