Can dự vào Ukraine, kinh tế Nga mất hàng chục tỷ USD
(Dân trí) - Các chuyên gia kinh tế khắp thế giới đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay, trước lo ngại cuộc khủng hoảng tại Ukraine và quyết tâm kiểm soát Crimea của điện Kremlin sẽ làm sụt mạnh sức tiêu dùng và đầu tư.
Sau khi Nga quyết định tăng cường lực lượng tại Crimea hồi đầu tháng này, đồng rúp của Nga đã sụt mạnh xuống mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán nước này “bốc hơi” 60 tỷ USD chỉ trong một ngày.
Trong một nỗ lực nhằm ổn định thị trường, ngân hàng trung ương Nga đã bất ngờ tăng lãi suất, một động thái được cho là có tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư, trong khi đồng rúp suy yếu có khả năng gây tổn thương cho người tiêu dùng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
“Căng thẳng gia tăng tại Ukraine khiến bối cảnh kinh tế Nga trở nên rất thách thức, tạo ra rủi ro đi xuống lớn cho nền kinh tế”, ngân hàng Citi của Mỹ nhận định trong một thông báo được phát đi hôm 11/3.
Citi cũng đã hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm nay từ 2,6% xuống chỉ còn 1%. Tương tự, Macro-Advisory, một công ty nghiên cứu thị trường cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP từ 1,9% xuống chỉ còn 1%, thấp xa so với dự báo chính thức của chính phủ Nga rằng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,5%.
“Chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này trong năm 2014 do tác động từ sự suy yếu của đồng rúp, lạm phát và những bất ổn xoay quanh cuộc khủng hoảng tại Nga”, Chris Weafer, một lãnh đạo tại công ty Macro-Advisory cho biết. “Thiệt hại chính có khả năng đến từ lạm phát cao hơn, thị trường tiền tệ bị thắt chặt hơn, sức tiêu dùng chậm lại và chi tiêu đầu tư giảm năm thứ hai liên tiếp”.
Động thái cắt giảm trên diễn ra chỉ một tuần sau khi một ngân hàng lớn khác là JP Morgan Chase tuyên bố hạ dự báo tăng trưởng GDP của Nga từ 1,8% xuống chỉ còn 0,8% trong năm nay, và từ 2,5% xuống còn 2% trong năm 2015.
Ngân hàng lớn nhất của Mỹ này đồng thời nhận định tiêu dùng của Nga sẽ không tăng do đồng rúp yếu, lạm phát cao hơn và tâm lý người tiêu dùng sụt giảm. Trong năm ngoái, tiêu dùng nội địa của Nga tăng trưởng khoảng 1,7%.
Với quy mô của nền kinh tế Nga vào khoảng 2000 tỷ USD, điều đó có nghĩa là kinh tế nước này sẽ bị mất đi từ 20 – 32 tỷ USD so với ước tính ban đầu, chưa kể các tác động khác do các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.
Tốc độ tăng trưởng chậm như trên sẽ khiến nền kinh tế Nga tiếp tục gặp khó khăn, sau khi chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm ngoái, và là năm giảm tốc thứ 4 liên tiếp. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, GDP của nước này đã có một thập kỷ tăng trưởng nhanh, trên 6%, nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu.
Sau khi đắc cử Tổng thống lần 3 năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin cam kết sẽ duy trì đà tăng trưởng trên 5% mỗi năm. Dù vậy, điều này rất khó thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay. Đồng rúp suy yếu sẽ làm gia tăng lạm phát, khiến ngân hàng trung ương Nga có thể tiếp tục tăng lãi suất. Hậu quả là lãi suất cho vay sẽ bị các ngân hàng đẩy lên, ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng.
“Việc tăng lãi suất điều hành có thể không chỉ là tạm thời như một số người nghĩ. Hơn thế nữa, rủi ro địa chính trị leo thang có thể dẫn tới một đợt tăng lãi suất điều hành nữa”, ngân hàng HSBC nhận định trong một báo cáo gần đây.
Theo Bộ kinh tế Nga, khoảng 17 tỷ USD vốn đầu tư đã bị rút khỏi nước này từ đầu năm nay, tương đương với gần một nửa dòng vốn chảy ra được dự báo cho cả năm 2014. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho biết dòng vốn tháo chạy sẽ còn tăng tốc nếu các đe dọa cấm vận kinh tế và tài chính chống lại Nga gia tăng.
Kế hoạch sáp nhập khu vực Crimea, một bán đảo của Ukraine có đa số người gốc Nga sinh sống, cũng có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại thị trường Nga do rủi ro địa chính trị gia tăng.
“Tôi nghĩ rằng nền kinh tế sẽ không tha thứ cho thái độ đó. Tôi không sẵn lòng dự báo nền kinh tế sẽ phản ứng ra sao. Nhưng tôi không nghi ngờ gì rằng điều đó sẽ xảy ra”, Sergei Alexashenko, trưởng bộ phận nghiên cứu tại trường Kinh tế học của Nga khẳng định.
Tổng hợp