Không có luật tốt, nếu người làm luật có tư duy "đứng trên", "thọc tay" vào thị trường

(Dân trí) - “Với cách làm luật như hiện nay, muôn thuở Việt Nam không có được một đạo luật tốt. Các Bộ quá chú ý lợi ích của mình. Những người tham gia xây dựng luật đều là những người hoặc là rất mơ hồ, hoặc không biết gì về lĩnh vực đó”, GS. TS. Lê Hồng Hạnh, Nguyên Viện trưởng Viện Pháp lý nhận định trong buổi hội thảo Bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013 vào sáng nay (16/3).

TS. Nguyễn Văn Cương, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hồng Vân)
TS. Nguyễn Văn Cương, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hồng Vân)

Tại hội thảo, ông Hạnh còn cho rằng càng ngày chất lượng luật, Nghị định, Thông tư của nước ta càng kém đi.

Cụ thể, ông dẫn chứng thời những năm 1950, những người viết luật là những người vừa học luật, vừa tham gia công tác quản lý, trải nghiệm rất nhiều trong cuộc sống. Còn bây gờ, những người viết luật có thể chỉ vừa mới tốt nghiệp được khoảng 2 -3 năm, tư duy chưa đủ để có thể làm luật.

Ông Hạnh cho rằng việc làm luật phải để những chuyên gia pháp lý và Quốc hội đóng vai trò cơ sở làm về chính sách, được các chuyên gia chỉnh sửa cho đúng tư duy, ngôn ngữ của luật thì chính sách chắc chắn sẽ tốt.

“Chứ không như các Luật Phá sản 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật đầu tư 2014 đều bắt nguồn từ tư duy quản lý chứ không phải tư duy kinh tế thị trường. Điều này phải thay đổi”, GS. Hạnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Quốc hội nên đứng ra thành lập một ban soạn thảo riêng với quyền hạn và ngân sách đủ để cho họ làm luật và Quốc hội chỉ việc xem xét về mặt chính sách và yêu cầu cho chính sách đó vào trong luật ấy, ông Hạnh khuyến nghị.

Đồng tình với GS. TS Hạnh, TS Luật học Nguyễn Đình Lục cho biết doanh nghiệp Việt đã và đang khốn khổ vì Thông tư, Nghị định chứ không phải khốn khổ vì luật.

“Cách làm luật của chúng ta là phân cho từng bộ ngành mà bộ ngành nào làm luật cũng tạo thuận lợi tối đa cho ngành mình quản lý chứ chưa đặt quyền và lợi ích chung của toàn xã hội lên trên”, ông Lục thẳng thắn nói.

Ông Lục cho biết, hiện nay nước ta có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy nhiên có những điều kiện rất vô lý. Ông lấy ví dụ trong kinh doanh vận tải hành khách, điều kiện là phải kinh doanh vận tải hơn 300km, có nhà xe, có trên 20 đầu xe thì mới được kinh doanh. Vậy Doanh nghiệp I có 19 xe, cả 19 xe đều hoạt động tốt nhưng vẫn không được kinh doanh trong khi Doanh nghiệp II có 25 đầu xe nhưng chỉ 18 xe hoạt động được nhưng vẫn là đủ điều kiện kinh doanh.

Như vậy, nhiều lúc Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng nhiều lúc không khéo, lại hạn chế quyền tự do kinh doanh, ông Lục nhận định.

Được biết, khi Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 mới được ban hành, Nguyên Viện trưởng Viện Pháp lý đã bàn bạc với World Bank và thấy còn tồn tại nhiều bất cập ở góc độ phát triển kinh tế thị trường nói chung và ở bảo đảm quyền tự do kinh doanh nói riêng.

Do đó, theo ông Hạnh, bây giờ Việt Nam muốn chính sách tốt thì phải thực sự có tư tưởng coi đó là quyền không thể thiếu của người dân và phải đảm bảo làm cho bằng được.

Nếu những người soạn thảo luật luôn có tư duy họ đứng trên thị trường, phải “thọc tay” vào thị trường giống như TS. Nguyễn Am Hiểu, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nói “mỗi Bộ trưởng đều là một ông Tổng giám đốc” thì không làm luật nổi, ông Hạnh nói.

Về giải pháp cho vấn đề này, ông Lục cho rằng phải thay đổi nhận thức về vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó vai trò xã hội của doanh nghiệp và doanh nhân. Đáng lẽ cơ quan công quyền phải hoạt động phục vụ doanh nghiệp bằng cách xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng chính sách kinh doanh thông thoáng chứ không phải ở bên trên để quản lý.

Bên cạnh đó cũng không thể bỏ quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nhưng phải xác định phạm vi quản lý đến đâu, phương thức quản lý Nhà nước như thế nào để đảm bảo quyền bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Hồng Vân