1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chậm cải cách, một phần do các Bộ giữ lợi ích về mình

(Dân trí) - Năm 2035, muốn thoát bẫy trung bình, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam phải đạt 8% mỗi năm. Mấy năm nay chúng ta cố gắng lắm cũng chỉ đạt 6%, còn những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 8 - 9%. Như vậy, phải làm thế nào đây? Câu hỏi này là vấn đề đòi hỏi Chính phủ. Bộ, ngành và địa phương phải vào cuộc tìm ra lời giải.

Đây là một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra cho các Bộ, ngành và địa phương tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra sáng nay (10/3) tại Hà Nội.

Có “vướng mắc” nằm ở người thực thi

Theo Phó Thủ tướng, hiện yêu cầu sửa đổi luật pháp, văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta ngày một nhiều. Năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp Chính phủ ra Nghị Quyết về cải cách môi trường kinh doanh, điều đó cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ. Dù đã có nhiều kết quả đạt được, nhưng những tồn tại hạn chế vẫn còn.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, cải cách và đổi mới nền kinh tế phải có những bứt phá, vượt lên không đi tuần tự như hiện nay

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, cải cách và đổi mới nền kinh tế phải có những bứt phá, vượt lên không đi tuần tự như hiện nay

"Tinh thần của Chính phủ hiện nay là kỷ cương. Chính phủ nói Bộ phải làm, Trung ương chỉ thị địa phương phải thực hiện theo. Chính phủ đã đề nghị phải phát huy ở tất cả các bộ, ngành và địa phương phải tuân theo tinh thần chỉ đạo này", Phó Thủ tướng nói.

Ông Đam cho rằng, trong công cuộc sửa đổi, cải cách luật pháp, cơ chế kinh tế và quản trị hành chính công hiện nay có nghi ngờ hiệu quả cải cách, đổi. "Sửa đổi, cải cách dù chưa thể thành công nhưng cũng giúp chúng ta nhận thức được vấn đề ta đang ở đâu và phải làm gì tiếp theo? Còn nếu không cải cách, chúng ta mãi dậm chân tại chỗ, sẽ nắm chắc thất bại. Phải thay đổi bứt phá, vượt lên, chứ không thể tà tà như những năm vừa rồi", Phó Thủ tướng nói.

Về tinh thần cải cách thể chế kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng: "Khi sửa đổi chính sách không nên đặt vấn đề đi tuần tự từ Luật, đến Nghị định, Thông tư và các chính sách cụ thể. Lỗi ở đâu phải sửa ngay ở đó, điều này sẽ hạn chế việc ỷ lại vào các quy định pháp luật, cản trở doanh nghiệp và tiến trình đổi mới, cải cách".

Theo Phó Thủ tướng, cái khó nhất trong cải cách là cuộc đấu tranh giữa cái cũ, cái mới, lợi ích quốc gia, xã hội và lợi ích nhóm, tham nhũng, lợi ích cá nhân. Phó Thủ tướng nêu: "Có những công văn cấp Vụ của một bộ ký thôi mà cũng làm khổ rất nhiều doanh nghiệp. Và doanh nghiệp hiện không chỉ có những vướng mắc, khó khăn ở Luật, Nghị định, Thông tư, họ còn có vướng mắc nằm ở người thực thi công vụ".

Lợi ích nhóm làm chậm cải cách

Phó Thủ tướng cho biết, trong 3 nguyên nhân khiến đổi mới, cải cách nước ta chậm thời gian qua, có yếu tố của nhận thức, thói quen và lợi ích. Trong đó hai nguyên nhân thói quen và lợi ích nhóm là cuộc đấu tranh dai dẳng.

Nguyên nhân nguy hiểm hơn là lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong ban hành và thực thi chính sách. Phó Thủ tướng nêu: Khi ban hành chính sách, cơ quan nào cũng đòi phải có quyền lợi, nếu không có thì không quản lý được. Nhưng tại sao ở nước ngoài, Luật họ đơn giản vậy mà họ quản lý tốt thế?

"Rất nhiều cuộc họp bàn, cái chung thì đại diện các Bộ rất ủng hộ. Khi xin ý kiến 10 cơ quan Bộ về 10 điểm của chính sách đó, gạch đầu dòng đầu tiên các Bộ ủng hộ 9 điểm, nhưng riêng điểm về cơ quan họ lại không ủng hộ. 10 ý kiến không đồng tình, chính sách không ban hành được, phải thảo đi, bàn lại giữa các bộ với nhau", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu: "Nguyên nhân của việc trên có thể do chuyên môn khác nhau nhưng không loại trừ có lợi ích nhóm, giữ quyền về mình. Những người hoạch định chính sách cần phải nhìn thẳng sự thật, nếu né tránh sẽ không bao giờ sửa đổi, cải cách được".

“Chính phủ luôn hoan nghênh việc đối thoại giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp về chính sách để hiểu rõ sai ở đâu và cần sửa ở đâu. Đồng thời, Chính phủ mong các DN hãy có niềm tin là Chính phủ luôn lắng nghe và giải quyết vấn đề cho DN, cho nền kinh tế. Các kiến nghị của DN thời gian tới nên đi vào cụ thể hơn, vướng mắc ở đâu, chỗ nào của văn bản, chỗ nào của Nghị định, của Luật để Chính phủ chỉ đạo giải quyết nhanh gọn", Phó Thủ tướng nói.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm