Sau 3 năm cải cách, môi trường kinh doanh Việt Nam chỉ hơn Lào và Campuchia

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo Chính phủ thực hiện 3 năm Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, điều đáng nói, nhiều chỉ số của môi trường kinh doanh Việt Nam dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 6, chỉ nhỉnh hơn so với Lào và Campuchia.

Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT dù các chỉ tiêu của Việt Nam đều đạt so với yêu cầu của Chính phủ nhưng vẫn kém so với tốc độ cải thiện của các nước trong khu vực. Trong đó, 5/10 chỉ số của Việt Nam tăng, nhưng 5/10 chỉ số của Việt Nam lại giảm.


Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện nhưng chậm hơn nhiều so với các nước trong khu vực (ảnh minh họa)

Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện nhưng chậm hơn nhiều so với các nước trong khu vực (ảnh minh họa)

Các chỉ số giảm mạnh là khởi sự kinh doanh giảm 10 bậc; cấp phép xây dựng; tiếp cận tín dụng giảm 3 bậc; đăng ký sở hữu tài sản; giải quyết tranh chấp hợp đồng lần lượt giảm 1 bậc so với trước.

Bộ KH&ĐT nhận định, các chỉ số giảm bậc một là do Việt Nam không có cải cách nào trong thời gian qua. Mặt khác, do các nước tiến nhanh hơn Việt Nam, ví dụ như: Brunei tăng 25 bậc, Indonesia tăng 15 bậc.

Theo Bộ KH&ĐT, mục tiêu phấn đấu trong Nghị quyết 19 của Chính phủ là đưa các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4 vào năm 2016 đã không đạt được và đây là thách thức cho năm 2017 khi Chính phủ quyết tâm bằng mọi giá phải xây dựng bộ tiêu chí về môi trường kinh doanh Việt Nam bằng các nước ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Maylaysia và Indonesia).

Ngoài đánh giá chuyên môn của mình, Bộ KH&ĐT còn dẫn đánh giá về Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 cho biết: Thứ hạng của Việt Nam năm nay là 60/138, giảm 4 bậc so với năm 2015 (56/140). Thứ hạng này thấp hơn hầu hết các nước ASEAN 6, và chỉ đứng trên Lào và Campuchia.

Bộ KH&ĐT khẳng định: Hiện vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu và việc thực hiện các Nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt điều này diễn ra ở cơ sở, các địa phương, ban ngành chức năng. Hiện còn quá nhiều tồn tại, rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành của các Bộ.

Cũng tại báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Bộ KH&ĐT nêu rõ hiện nhiều Bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện tốt chủ trương chính sách hoặc làm nửa vời khiến chủ trương, chính sách không đạt được yêu cầu đề ra.

Cụ thể, trong Nghị quyết 19 của năm 2016, dù Chính phủ yêu cầu các Bộ, địa phương báo cáo kết quả về Bộ KH&ĐT, tuy nhiên, tính đến hết ngày 23/12/2016, chỉ có 31 địa phương có báo cáo kết quả. Còn báo cáo của các Bộ, ngành chuyên môn cũng chung chung, thiếu cụ thể và không nhắc đến kết quả đạt được. Các tỉnh bị bêu tên Thanh Hóa, Quảng Bình, Lào Cai, Thái Bình, Quảng Nam, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Trị.

Đặc biệt, độ chậm trễ còn được thể hiện ở việc, dù Nghị quyết 19 năm 2016 được Chính phủ ban hành từ tháng 4/2016, nhưng nhiều tỉnh sau mấy tháng mới ban hành các kế hoạch hoạt động cụ thể. Cụ thể như tỉnh Khánh Hòa sau ngày 14/9/2016 mới ban hành, tỉnh Hậu Giang sau ngày 23/8; tỉnh Kiên Giang sau ngày 8/8, tỉnh Sơn La sau ngày 12/8 và tỉnh Cà Mau sau ngày 17/8. Việc chậm ban hành kế hoạch, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện và mục tiêu đề ra.

Nguyễn Tuyền