Đại biểu Quốc hội nói gì về đề xuất phát triển điện hạt nhân?
(Dân trí) - Về đề xuất làm điện hạt nhân sau năm 2040 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, điều này là có tính khả thi và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sau COP26, các nước tham gia đã công nhận điện hạt nhân là loại hình sản xuất điện sạch, không phát thải khí nhà kính, góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Với lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Ủy ban Kinh tế cho rằng, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng nước ta giai đoạn tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, cần xem xét nhiều yếu tố và phải phù hợp với lộ trình phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Để phù hợp với lộ trình này, theo ông Đồng, Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, các loại năng lượng mới này có một vấn đề là giá cao, phải bỏ ra ngân sách rất lớn để đầu tư hệ thống truyền tải.
Còn với điện hạt nhân, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2016.
Việc dừng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng "rất phù hợp, bởi để dồn lực cho các dự án trọng điểm khác, đồng thời phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, không an toàn thì không làm".
Gần đây, kiến nghị khởi động lại điện hạt nhân đang được giới chuyên gia, nhà khoa học nêu tại nhiều diễn đàn về năng lượng. Theo một số quan điểm nêu ra, nếu phát triển điện hạt nhân sau năm 2030 mới có thể hiện thực hóa mục tiêu đã cam kết vào năm 2050 tại COP26.
Về đề xuất làm điện hạt nhân sau năm 2040 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, điều này là có tính khả thi và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.
"Khả thi là bởi nước ta có tốc độ phát triển và nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tốt, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia đầu tư điện hạt nhân. Tôi đồng tình, ủng hộ thực hiện dự án điện hạt nhân sau năm 2040", ông Đồng nêu quan điểm.
Khi được hỏi về công suất cho nhà máy điện hạt nhân bao nhiêu là phù hợp, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, thời điểm này, chưa thể nói về công suất của nhà máy điện hạt nhân. Bởi phải có tính toán về nhu cầu, cũng như địa hình, địa lý. Đảm bảo các điều kiện phù hợp về môi trường và an toàn cuộc sống lâu dài cho người dân, bền vững cả 3 mặt kinh tế - xã hội - môi trường.
Về điện gió, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng: "Đầu tư điện gió nên khuyến khích, vì điện gió rất an toàn, thân thiện với môi trường; vừa sinh điện, vừa sinh thái vừa sinh kế. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, đầu tư quá ồ ạt, thiếu nghiên cứu, thiếu khảo sát, thiếu đánh giá, phải đo lượng gió cả 4 mùa để tính toán hiệu quả về kinh tế, nên có những bất ổn".
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, lúc này Việt Nam chưa nên phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, về dài hạn cần nghiên cứu loại năng lượng này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu. Vị này lưu ý tính an toàn và công nghệ phải ưu tiên cao nhất khi nghiên cứu, phát triển loại năng lượng này.
Trước đó, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng trong thời gian tới, đồng thời nhanh chóng có đề xuất hợp lý về việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Ủy ban Kinh tế, trong khi chờ chủ trương chính thức, đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân một cách có hiệu quả; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, có phương án bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên ngành đối với đội ngũ nhân lực đã đào tạo về điện hạt nhân; Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử và tăng cường năng lực của các ngành khoa học, công nghệ có liên quan như địa chất, địa chấn… chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.