Hoang mang vì quá nhiều hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam
(Dân trí) - Sau vụ Khaisilk, niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay không hề nhỏ, nhất là với hàng Việt. Phóng viên Dân Trí đã quyết định tìm hiểu thêm xem còn những mặt hàng nào thường xuyên bị “đánh tráo” tên tuổi như vậy nữa không.
Mũ bảo hiểm, nhiều loại nhập từ Trung Quốc về lột nhãn, thay mác Việt Nam
Trong nhiều loại hàng hóa nhập từ Trung Quốc về, đóng nhãn mác Việt Nam thì mũ bảo hiểm là một sản phẩm thuộc loại khá phổ biến về sự nhập nhèm này. Để làm rõ câu chuyện này, PV Dân trí đã đến thăm xưởng sản xuất đồ nhựa của anh T. ở ngoại thành Hà Nội để tìm hiểu về những câu chuyện mà chỉ có dân trong nghề mới biết.
Vừa thăm quan một vòng xưởng làm mũ bảo hiểm, anh T. vừa chia sẻ: “Ở Việt Nam hiện nay thường chỉ sản xuất được một số mẫu mũ bảo hiểm đơn giản như nửa đầu, còn loại mũ cả đầu thường phải nhập Trung Quốc về. Còn tem mác có thể mang về Việt Nam rồi lột ra thay mác mới, hoặc đặt trực tiếp tem chìm gia công bên Trung Quốc theo mẫu mã, tên tuổi các hãng của Việt Nam”.
“Nhiều công ty nhập hàng Trung Quốc là bởi giá bên kia tốt hơn, nếu tự sản xuất ở Việt Nam, hàng Trung Quốc chỉ rẻ bằng một nửa, mà đã bao gồm cả tem mác, gia công hết tất cả. Thường hàng chỉ đi tiểu ngạch, nhưng một điều khá khó hiểu là nhiều công ty có thể nhập cả lô một container mũ như thế về Việt Nam mà không vấn đề gì”, anh T. cho biết thêm.
Không chỉ mũ, ngay cả những chiếc xe đạp điện “Made in Vietnam” cũng mang khá nhiều linh kiện nhựa cũng mua của Trung Quốc. Với kinh nghiệm làm nhựa khá lâu năm, anh T. ước tính: Hiện nay, chỉ có quá nửa các linh kiện được sản xuất ở Việt Nam, còn lại phải nhập Trung Quốc khá nhiều.
Theo anh T., lý do là bởi nếu sản xuất đại trà thì phải mất tiền làm khuôn, mà khuôn rất đắt tiền. Tùy từng loại xe phức tạp hay đơn giản, một khuôn đúc nhựa rơi vào 4,7 – 5 tỷ đồng/bộ. Nhưng nó cũng chỉ có thể sản xuất được một số chi tiết đơn giản như: ốp sườn, chắn bùn, đèn xi nhan, đèn pha, lót gầm,...các chi tiết khó thường vẫn phải nhập.
Trở lại văn phòng, anh T. kể: “Để mà kể thì ngồi cả ngày không hết, nhỏ nhặt nhất như cái bút bi. Hàng các hãng lớn thì mình không dám khẳng định, nhưng các loại bút bi quà tặng in tên hoặc hàng trôi nổi chắc chắn là của Trung Quốc.”
“Vì rất ít doanh nghiệp sản xuất nhựa vừa và nhỏ ở Việt Nam muốn làm hàng này, do lợi nhuận thấp mà chi phí lại cao nên không đáng để quan tâm. Do vậy, dù có làm được cũng chẳng ai muốn làm, nhiều doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc về làm thương hiệu cho nhanh, đỡ tốn nhiều chi phí”, anh T. cho biết thêm.
Anh T. kẻ tiếp: “Tôi có quen vài người bạn chuyên sản xuất thiết bị giáo dục, họ cho biết, từ bút bi cho đến những chiếc bàn, ghế nhựa thấp quen thuộc hay ngồi hàng trà đá cũng đều được nhập từ nước bạn láng giềng rồi về thay mác.”
“Gần đây, do nhu cầu thị trường tăng đột biến, bạn mình mới chuẩn bị đặt khuôn để sản xuất loại ghế nhựa thấp cung cấp cho các trường học, nhưng giá thì không hề rẻ, khoảng 300 triệu đồng/khuôn. Trước đây, bàn ghế nhựa 100% họ nhập từ Trung Quốc về.”, anh T. chia sẻ.
Chỉ ngồi nghe anh T. kể, chúng tôi đã không tin nổi vào mắt mình là có quá nhiều thứ thật giả lẫn lộn. Từ những thứ nhỏ nhặt như bút bi cho đến bàn ghế cũng không nằm ngoài vòng xoáy hàng giả.
Không tiện nói tên, nhưng anh T. khẳng định: “Trong giới ai cũng biết, có doanh nghiệp nổi tiếng về bàn ghế thậm chí còn nhập gần như 100% là hàng Trung Quốc về bán".
"Mác mồm" - hàng Trung Quốc cũng thành hàng Việt
Rời khỏi xưởng anh T. phóng viên đã tìm đến một góc khác thực tế hơn để tìm hiểu về sự hiện diện của hàng Trung Quốc, đó là khu chợ của sinh viên. Trời đã bắt đầu lạnh, dạo một vòng quanh các hàng bán chăn chiếu và đệm gần trường đại học. Người bán hàng vô tư giới thiệu các loại đệm, chăn và khẳng định đó là hàng Việt Nam.
Chủ một cửa hàng giới thiệu: “Trời vừa lạnh, hàng bán rất chạy, loại đệm 1m2 đã hết, chỉ còn hàng 1m6 giá 350.000 – 380.000 đồng, tất cả đều là hàng Việt Nam hết. Chăn siêu nhẹ có thương hiệu hàng Việt Nam giá 250.000 đồng.”
“Hàng tốt đấy đều của các hãng lớn Việt Nam đó, nhất là chăn lông cừu, giá 400.000 đồng/cái. Riêng có chăn lông là của Trung Quốc thôi, hàng đấy dao động từ 350.000 – 450.000 đồng”, người bán khôn khéo dẫn dắt để khách hàng hiểu cái nào là hàng Trung Quốc, cái là hàng Việt cho dễ bán.
Nhưng thực chất, theo anh Nguyễn Văn Thao, đang làm việc tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất chăn ga, gối đệm cho biết: “Hiện nay, cũng có nhiều làng nghề sản xuất đệm, nhưng với mức giá rẻ giật mình 350.000 đồng/cái thì phần lớn là hàng Trung Quốc. Nếu kĩ hơn, thì có thể sờ thử, cảm giác thô ráp, chất vải kém, nhìn dại thì là hàng Trung Quốc. Đặc biệt, ruột đệm hàng Trung Quốc rẻ tiền sẽ mềm oặt hoặc rất cứng.”
“Hiện nay, có khá nhiều loại đệm của Việt Nam sản xuất chất lượng rất tốt. Nhưng thấp nhất cũng phải trên dưới 2 triệu đồng mới có. Còn hàng Trung Quốc trôi nổi thì từ 6 – 7 trăm nghìn đồng là có thể mua được, thậm chí rẻ hơn. Hàng rẻ đó chủ yếu bán ở khu vực vùng sâu vùng xa, đông sinh viên nên dễ dàng gắn “mác mồm” hàng Việt Nam”, anh Thao nói.
Không chỉ dừng lại ở đó, hàng Trung Quốc trôi nổi vẫn còn nhiều vô vàn và sẽ được Dân Trí thông tin thêm ở những kì sau.
Thế Hưng