1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Hàng Trung Quốc gắn mác Mỹ chui vào siêu thị Việt

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt khắp nơi, từ các cửa hàng tạp hóa đến cả những siêu thị ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

“Một thủ đoạn phổ biến hiện nay của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không nhãn mác nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam. Sau đó tổ chức đóng gói, dán nhãn giả sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Thậm chí giả các nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam đưa đi tiêu thụ”.

Đây là thông tin do Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM, cho biết tại buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp do báo Công An Nhân Dân và Đài Truyền hình VTV 9 tổ chức ngày 10/11.

Theo ông Hùng, trong 10 tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp. Đã khởi tố bảy vụ, 13 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả.

“Đối với hàng giả được sản xuất từ Trung Quốc phần lớn được tập kết từ các tỉnh phía Bắc, giáp biên giới rồi vận chuyển vào TP.HCM tiêu thụ bằng đường hàng không, tàu hỏa, các chuyến xe Bắc-Nam… Đáng chú ý hơn là chỉ cần gọi điện thoại đặt mua từ Trung Quốc, hàng hóa sẽ được giao tại TP.HCM sau đó mới nhận tiền vận chuyển” - ông Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Saigon-ASEAN, qua một số khảo sát cho thấy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt khắp nơi, từ các cửa hàng tạp hóa đến cả những siêu thị ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

"Vấn nạn này không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh của doanh nghiệp chân chính. Ngay cả một thương hiệu cà phê lớn cũng bị làm giả để xuất khẩu tiểu ngạch sang một số nước trong khu vực" - ông Luận nói.


QLTT TP.HCM vừa tiêu hủy lô mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ 19 tỉ đồng.

QLTT TP.HCM vừa tiêu hủy lô mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ 19 tỉ đồng.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho biết ngoài nguyên nhân do luật còn nhiều bất cập, chế tài chưa đủ mạnh thì việc quản lý chồng chéo các cơ quan chức năng, tạo điều kiện để hàng gian, hàng giả phát triển.

Theo bà Thu, để ngăn chặn vấn nạn này cần sự phối hợp của toàn xã hội gồm người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan chức năng. Đặc biệt khi mua hàng hóa, người tiêu dùng phải yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm, hóa đơn chứng từ. Mặt khác, doanh nghiệp cần chú trọng quảng bá sản phẩm, hướng dẫn cho khách hàng, “làm đến nơi đến chốn” khi phát hiện sản phẩm mình bị làm giả…

Theo Tú Uyên
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm