H&M đóng cửa 250 cửa hàng, chuyển sang bán hàng online
(Dân trí) - Từ nay đến sang năm, H&M sẽ đóng 250 cửa hàng khi người tiêu dùng ưa chuộng loại hình mua sắm trực tuyến để tránh ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Các nhà bán lẻ thời trang, đặc biệt là những thương hiệu như H&M, đã chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Do hầu hết các nước áp dụng biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, giữa tháng 4 vừa qua, nhãn hàng nổi tiếng của Thụy Điển này đã phải tạm đóng tới 80% số cửa hàng trên toàn thế giới.
Hiện 166 cửa hàng của hãng, tương đương 3%, vẫn chưa thể kinh doanh trở lại.
Bất chấp tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ngày 1/10, Tập đoàn bán lẻ thời trang Hennes & Mauritz (H&M) của Thụy Điển vẫn thông báo kết quả kinh doanh trong quý III/2020 tốt hơn mong đợi.
“Trong mùa dịch, ngày càng có nhiều khách hàng chuyển sang mua sắm trực tuyến”, H&M nói trong thông cáo hôm 2/10. Doanh nghiệp này cho biết, doanh số tăng mạnh đã giúp hãng có lãi trong mảng kinh doanh trực tuyến.
Cụ thể, trong quý III/2020, lợi nhuận ròng của H&M đạt mức 1,8 tỷ kronor (201 triệu USD), giảm 1/2 so với mức 3,9 tỷ kronor của cùng kỳ năm 2019. Doanh thu của tập đoàn cũng giảm 18,7% xuống còn 51 tỷ kronor. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt 2,4 tỷ kronor, cao hơn 0,4 tỷ kronor trong báo cáo ban đầu, công bố vào giữa tháng 9.
“Những thách thức vẫn còn lâu mới chấm dứt, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng rằng điều tồi tệ nhất đã đi qua. Chúng tôi đủ khả năng để vượt qua giai đoạn khủng hoảng”, CEO H&M Helena Helmersson khẳng định.
Covid-19 đã thúc đẩy mua sắm trực tuyến. Trước đại dịch, xu hướng này vốn đã phá vỡ ngành công nghiệp bán lẻ và các chuỗi lớn. Chủ sở hữu Zara - Inditex – đối thủ của H&M cũng cho biết có kế hoạch đóng đến 1.200 cửa hàng trong năm nay và năm 2021 tới.
H&M và Inditex không phải là những nhà bán lẻ duy nhất cảm thấy khó khăn. American Eagle Outfitter và GameStop gần đây cũng đã công bố kế hoạch đóng cửa hàng trăm cửa hàng vì sự gia tăng của hình thức mua sắm trực tuyến.