1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hãng bán lẻ hơn trăm tuổi của Mỹ phá sản

(Dân trí) - Hãng bán lẻ J.C.Penney vào hôm thứ 6 (15/5) đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Điều này khiến hãng bán lẻ 118 năm tuổi của Mỹ trở thành cái tên mới nhất trong ngành bán lẻ sụp đổ vì Covid-19.

Hãng bán lẻ hơn trăm tuổi của Mỹ phá sản - 1
Một cửa hàng của J.C.Penney ở North Riverside, tiểu bang Illinois, Mỹ. Ảnh: REUTERS/Kamil Krzaczynski.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ của Mỹ này nổi tiếng với các sản phẩm quần áo cho gia đình, mỹ phẩm và trang sức. Công ty có khoảng 850 cửa hàng và xấp xỉ 90.000 nhân viên hồi tháng 2.

Họ cho biết đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về khoản vốn mới trị giá 900 triệu USD để hỗ trợ hoạt động trong khi điều hướng các thủ tục phá sản tại tòa án liên bang ở Corpus Christi, Texas.

Hôm 15/5, công ty cho biết, họ sẽ đóng cửa một số cửa hàng vĩnh viễn theo từng giai đoạn. Chi tiết về các cửa hàng và mốc thời gian sẽ được công bố trong những tuần tới.

Reuters trước đó đã đưa tin rằng, ban đầu, công ty này dự kiến đóng cửa khoảng 200 cửa hàng và con số này có thể dao động tùy thuộc vào các cuộc đàm phán với chủ nợ.

Chuỗi cửa hàng bách hóa 118 tuổi này từng có tới hơn 1.600 cơ sở và gần 200.000 nhân viên. Họ đã gặp khó khăn từ trước khi đại dịch diễn ra, với khoản nợ gần 4 tỷ USD và bị cạnh tranh các hãng bán lẻ giá rẻ và công ty thương mại điện tử. Các “ông lớn” bán lẻ như Walmart và Target đang bóp nghẹt các đối thủ nhỏ hơn bằng hàng thời trang giá rẻ, cả ở kênh bán hàng truyền thống lẫn online.

Sự bùng phát của virus corona đã gây ra hơn 80.000 ca tử vong ở Mỹ, khiến các hãng bán lẻ gặp rắc rối tài chính khi phải đóng cửa tạm thời theo lệnh của các bang. Một số khác đang chật vật vì khách hàng quay lưng với các cửa hàng truyền thống để chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Đầu tháng này, chuỗi cửa hàng bách hóa xa xỉ Neiman Marcus Group và hãng bán lẻ quần áo J. Crew Group đều đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau những nỗ lực bù đắp tài chính không thành công. Vào đầu tuần này, Stage Stores, một chuỗi bán lẻ thời trang giá tầm trung của Mỹ với hàng trăm cửa hàng cũng cho biết sẽ thanh lý tài sản nếu không tìm được người mua.

Giống như những nhà bán lẻ khác, J.C.Penney đã bắt đầu mở lại các cửa hàng của mình theo từng giai đoạn khi nhiều bang trên nước Mỹ nới lỏng các lệnh hạn chế. Nhưng tình trạng thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc rằng chi tiêu của người dân vẫn sẽ giảm trong một thời gian dài.

Cùng lúc đó, J.C.Penney cũng phải đối mặt với việc thanh toán khoản nợ 105 triệu USD vào tháng 6 sắp tới và 300 triệu USD tiền lãi hàng năm. Thêm vào đó, công ty cũng không thể chắc chắn liệu người tiêu dùng có quay trở lại các cửa hàng của mình hay không giữa bối cảnh hao hụt doanh số chưa từng có.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã buộc J.C.Penney phải chuẩn bị hồ sơ phá sản để giải quyết vấn đề tài chính căng thẳng của mình, bao gồm hơn 2 tỷ USD nợ đến hạn vào năm 2023.

J.C.Penney đã đàm phán với các chủ nợ vào đầu năm nay với hy vọng sẽ có thêm thời gian để Giám đốc điều hành mới, Jill Soltau tạo ra một sự thay đổi tập trung vào bản chất của công ty là một hãng bán quần áo với giá cả phải chăng dành cho các gia đình trung lưu. Tuy vậy, các cuộc đàm phán đã không đi đến kết quả.

Các nguồn tin cho biết, theo một kế hoạch đang được thảo luận, J.C.Penney sau khi phá sản sẽ trở thành hai công ty riêng biệt. Một công ty sẽ sở hữu một số bất động sản của J.C.Penney và hoạt động như một chủ đất, trong khi công ty còn lại sẽ điều hành doanh nghiệp bán lẻ. Nhiều người trong số các chủ nợ quản lý quỹ phòng hộ Phố Wall sẽ tham gia kiểm soát các công ty này để đổi lấy việc xóa nợ.

Nhiều ngày trước khi tìm đến sự bảo hộ phá sản, J.C.Penney đã chi gần 10 triệu USD tiền thưởng cho các giám đốc điều hành hàng đầu. Công ty cho biết họ đã “thực hiện các bước đi cần thiết để duy trì đội ngũ quản lý tài năng”, một bước tiến dài trong kế hoạch cải tổ công ty.

Hương Vũ

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm