Hãng thời trang bán lẻ Forever 21 trên bờ vực phá sản và nợ ngập đầu

(Dân trí) - Forever 21 từng là một hãng thời trang bình dân được đông đảo người trẻ trên thế giới yêu thích. Nhưng mới đây hãng đã trình đơn bảo hộ phá sản bởi sau quãng thời gian chật vật tìm giải pháp tái cơ cấu nợ nhưng không thành.

Hãng thời trang bán lẻ Forever 21 trên bờ vực phá sản và nợ ngập đầu - 1

Công ty này đã tiến hành đàm phán tài chính bổ sung và hợp tác với nhóm các chuyên gia tư vấn tài chính để giúp công ty tái cơ cấu nợ, nhưng các cuộc đàm phán với bên cho vay đều rơi vào bế tắc. Tuy nhiên đến những phút cuối cuộc đàm phán đã có những quyết định để tránh phải đưa nhau ra tòa.

Forever 21 được thành lâp vào năm 1984 dưới sự sáng lập của vợ chồng người gốc Hàn là ông Do Won Chang và bà Jin Sook Chang. Sản phẩm của hãng thời trang này nhắm đến những người trẻ mang phong cách đầy năng lượng và ngọt ngào. Tuy nhiên những năm gần đây, các cửa hàng tại nhiều nơi trên thế giới lần lượt đóng cửa như một phản ứng dây chuyền. Cụ thể, năm 2016, Forever 21 "nói tạm biệt" với thị trường Bỉ. Hai năm sau hãng này bắt đầu đóng cửa nhiều cửa hàng bản lẻ ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Ngay cả cửa hàng hàng đầu ở Nhật cũng không thoát khỏi số phận. Hiện tại, hãng còn lại hơn 800 cửa hàng trên toàn thế giới.

Một phần nguyên nhân của câu chuyện này là do doanh số của hãng chỉ tập trung vào những cửa hàng ở các trung tâm mua sắm, tuy nhiên con số tại đây đang giảm dần. Thêm vào đó hãng phải chi quá nhiều tiền để duy trì thuê những cửa hàng bản lẻ trên thế giới nhưng doanh thu lại không mấy khả quan.

Forever 21 được đánh giá là một hãng thời trang có tiềm năng lớn, ngang sức ngang tài với Zara, H&M. Tuy là vậy nhưng sự phát triển chậm bởi cách quản lý đã đẩy hãng này bên bờ vực phá sản và khó có thể cạnh tranh lại được những hãng thời trang bình dân khác.

Ngày 29/4 vừa qua tại thị trường lớn như Trung Quốc, hãng đã phải đóng cửa trang mua sắm trực tuyến trên Jingdong và Tmall. Không chỉ vậy các cửa hàng bán lẻ cũng đóng cửa hàng loạt.

Forever 21 có mức giá dao động từ 4-20 USD với tính ứng dụng cao và mẫu mã đa dạng, nhưng người tiêu dùng dần mất niềm tin về chất lượng của hãng này so với một mức giá như vậy. Trong một cuộc khảo sát thì nhóm thanh niên từ 15-25 tuổi đã không còn mặn mà với hãng thời trang này khi sản phẩm đang quá một màu và không chịu cập nhập những ý tưởng mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều người khẳng định họ sẽ không ngần ngại chuyển sang một nhãn hiệu khác.

Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, lựa chọn kênh mua hàng của người tiêu dùng vô cùng đa dạng. Nếu các thương hiệu thời trang “mỳ ăn liền” không định vị được mình trên thị trường sẽ dẫn đến việc thương hiệu sẽ bị đảo thải. Do vậy phải luôn làm mới những chiến lược phát triển và đây sẽ là trọng tâm của các hãng thời trang trong tương lai.

Thanh Hải

Theo Sina