Hàng trăm triệu USD tiền cứu trợ Covid-19 của Mỹ “rơi” vào túi Trung Quốc
(Dân trí) - Hàng trăm triệu USD tiền thuế của người dân Mỹ đang chảy về túi các công ty do Trung Quốc đầu tư và hoạt động, thông qua Chương trình bảo vệ tiền lương thuộc gói cứu trợ đại dịch của Chính phủ Mỹ.
Theo kết quả nghiên cứu dữ liệu về các khoản nợ do Bộ Tư pháp Mỹ công bố vào hồi tháng 6 vừa qua, công ty tư vấn chiến lược Horizon Advisory nhận định có khoảng từ 192- 491 triệu USD đã được chuyển vào 125 công ty do Trung Quốc sở hữu hoặc đầu tư đang hoạt động trên đất Mỹ.
Trong số này, có ít nhất 32 công ty Trung Quốc đã nhận được các khoản vay hơn 1 triệu USD, với tổng số vào khoảng 180 triệu USD.
Cụ thể, chúng được chuyển vào dưới hình thức các khoản vay cứu trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ - trong Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) của Chính phủ Mỹ.
“Lỗ hổng” lớn trong chính sách cứu trợ
Hồi tháng 3, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã triển khai chương trình PPP này với tổng trị giá 660 tỷ USD giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ sống sót qua đại dịch Covid-19 cũng như duy trì việc làm cho 50 triệu người lao động. Tuy nhiên, theo quy định giải cứu kinh tế của nước này, các công ty nước ngoài hoạt động tại Mỹ vẫn thuộc nhóm đối tượng nhận được khoản cứu trợ này.
“Nếu không có chính sách phù hợp, tiền thuế của dân Mỹ dành cho cứu trợ, phục hồi và tăng trưởng kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào túi các đối thủ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc”, hai chuyên gia Emily de La Bruyère và Nathan Picarsic, đồng sáng lập công ty Horizon Advisory chia sẻ.
Các công ty nhận được khoản vay bao gồm các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, các công ty hỗ trợ chương trình phát triển quân sự Bắc Kinh, các doanh nghiệp được Mỹ xác định là mối đe dọa an ninh quốc gia và các cơ quan truyền thông do chính quyền Trung Quốc kiểm soát.
Nhiều công ty trong đó nằm trong các ngành công nghiệp thiết yếu như hàng không vũ trụ, dược phẩm và sản xuất chất bán dẫn. Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc ưu tiên phát triển để hiện thực hóa tham vọng thống trị toàn cầu, thay thế các đối thủ ở Mỹ và các nước khác.
Hai trong số các công ty nước ngoài nhận được khoản vay lớn từ chương trình PPP phải kể đến tập đoàn sản xuất động cơ máy bay Continental Aerospace Technologies với 10 triệu USD và công ty Aviage Systems với 350.000 USD. Cả hai công ty này đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Hàng không Công nghiệp Trung Quốc (AVIC) – được Bộ Quốc phòng Trung Quốc công nhận là một công ty quân sự của nước này hồi năm ngoái.
Không dừng lại ở đó, một công ty khác cũng nhận được các khoản vay PPP trị giá từ 5-10 triệu USD là Dendreon Cosmetics. Đây là công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại bang California nhưng thuộc sở hữu của Nanjing Xinbai, một công ty có vốn đầu tư của nhà nước Trung Quốc.
Chương trình cứu trợ này đã hứng chịu nhiều chỉ trích bởi nhiều doanh nghiệp lớn thuộc diện chi trả của nó hoàn toàn có thể tiếp cận các hình thức tín dụng khác để nhận khoản vay hỗ trợ. Việc này đã thúc giục Bộ Tài chính Mỹ đưa ra cảnh báo rằng, các doanh nghiệp lớn có thể sẽ bị trừng phạt nếu không thể chứng minh khoản vay đó là thiết yếu.
Thông tin về các khoản vay trong gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục xuống dốc trong một vài tháng trở lại đây. Tổng thống Trump liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc phán tán dịch bệnh Covid-19 dẫn đến nền kinh tế suy yếu.
Nghị viện Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump hiện đang thảo luận gói kích thích kinh tế thứ 2, có thể bao gồm nhiều nguồn tài trợ hơn cho chương trình PPP. Một nghị sĩ đảng Cộng hòa mới đây đã đề xuất dự luật quy định các gói kích thích kinh tế sẽ loại bỏ các công ty có liên kết với chính quyền Trung Quốc khỏi các chương trình cho vay này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ gói cứu trợ sắp tới liệu có bao hàm dự luật này hay không.