Hàng không Việt Nam sẽ không “chết yểu”!

(Dân trí) - Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường khẳng định “hàng không sẽ không chết yểu” và cho biết muốn tương lai của hàng không thế nào thì hãy đến sân bay.

Sẵn sàng đón làn sóng mới

Trong cuộc tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục nền kinh tế” diễn ra tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chiều nay (30/5), ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Trong tâm dịch Covid-19, chúng ta bàn luận làm sao để chống dịch nhưng không một giây phút lơ là bảo dưỡng, khai thác và đảm bảo có thể khai thác bất cứ lúc nào, khai thác an toàn. Ngày 23/4, mạng đường bay nội địa bắt đầu được nối lại. Ngày 28/4, ngành hàng không bắt đầu nâng dần tần suất.

Hàng không Việt Nam sẽ không “chết yểu”! - 1
Tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự hồi phục nền kinh tế” chiều 30/5

“Tương lai của ngành hàng không thế nào?” - theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam muốn có trả lời câu hỏi thì “hãy đến sân bay”. Hiện tất cả các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và sân bay địa phương hoạt động đi lại của bằng đường hàng không nội địa rất nhộn nhịp.

“Hàng không sẽ không chết yểu” - ông Cường khẳng định và cho rằng cần tìm ra giải pháp phát triển và phát triển bền vững, sẵn sàng tiếp đón làn sóng mới, chào mừng du khách đến với Việt Nam. Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn, có sự chăm lo chu đáo và luôn chào đón du khách.  

Đối với đường bay quốc tế, mặc dù chưa chắc chắn khi nào sẽ mở cửa trở lại nhưng lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết phải luôn sẵn sàng khi kiểm soát được dịch bệnh, khi các rào cản nhập cảnh, cách ly được xóa bỏ. Khi đó, ngành hàng không hoạt động lại bình thường và hàng không quốc tế nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ.

“Chúng ta vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hướng tới tương lai. Hiện tại, chưa có thuốc chống Covid-19 thì chúng ta có thể suy nghĩ tạo dựng khu vực đi lại an toàn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Hong Kong. Chúng ta cũng đang nghiên cứu với Pháp để xây dựng đường bay chở khách an toàn. Việt Nam cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng thế nào để trở lạnh mạnh mẽ sau dịch Covid-19” - ông Cường thông tin. 

Hàng không Việt Nam sẽ không “chết yểu”! - 2
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Hàng không Mỹ đang cố gắng cầm cự

Trong khi hàng không Việt Nam đang dần phục hồi, tổng thị trường đạt sản lượng khoảng hơn 50% thì hÀng không thế giới vẫn đang chìm trong khủng hoảng. Bằng chứng là nhiều hãng bay lớn phải dừng hoạt động, nhân viên phải nghỉ việc không lương, không ít hãng đã đệ đơn xin phá sản.

Đề cập đến ngành hàng không Mỹ, ông Adam Sitkoff - Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) - cho biết: “Tình hình hiện tại ở nước Mỹ không mấy khả quan. United Airlines, một hãng hàng không lớn tại Mỹ, trước đây phục vụ 500.000 hành khách một ngày. Nhưng hiện tại hãng chỉ có 10.000 khách một ngày, giảm 98%”.

Theo Giám đốc AmCham, một trong những sự kiện mọi người nhắc lại gần đây là cuộc khủng bố ngày 11/9 của 20 năm trước. “Chúng ta sẽ bắt đầu từ ngày 10/9/2001, khi thị trường hàng không vẫn rất ổn định. Chỉ một ngày sau đó, mọi thứ đã khác. Trong vòng 4 tháng sau đó, lượng hành khách đi máy bay giảm còn 35%. Ngay cả khi tâm lý của hành khách về an toàn bay đã ổn định hơn, chúng tôi vẫn mất 3 năm để đạt lại lượng hành khách như trước thảm họa” - ông Sitkoff kể lại. 

Hàng không Việt Nam sẽ không “chết yểu”! - 3
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham)

Adam Sitkoff cho hay, ở Mỹ, không có sân bay nào thực sự đóng cửa, các hãng hàng không vẫn hoạt động. Các CEO trong ngành nói rằng họ vẫn mở chuyến bay nếu khách có nhu cầu nhưng hiện tại, hành khách không có nhu cầu bay. 

Tuy nhiên, đến nay, sau 62 ngày kể từ khi Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, lượng khách trung chuyển bằng đường hàng không giảm 90%, thị trường đang khôi phục trở lại nhưng mức độ sụt giảm vẫn là 85-88%, tốc độ hồi phục rất chậm. 

“Chúng tôi chưa biết bao giờ ngành hàng không mới khôi phục trở lại. Hiện tại, hành khách vẫn có nhu cầu di chuyển nhưng nhu cầu di chuyển bằng máy bay đã giảm” -  ông Adam Sitkoff cho biết thêm.

Cần cạnh tranh lành mạnh

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh: Để “lò xo” nền kinh tế trở lại, nhất là trong thời kỳ bình thường mới, xét về vĩ mô, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành hàng không. Tcả các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau.

“Xét về kinh tế, tất cả những lĩnh vực liên quan tới du lịch như hàng không, lưu trú, các nhà hàng, quán ăn... cũng phải chung tay tạo ra sự lan tỏa để bật dậy cả nền kinh tế” - ông Trần Du Lịch cho hay.

Hàng không Việt Nam sẽ không “chết yểu”! - 4
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch

“Hàng không cần cạnh tranh lành mạnh” - chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa bình luận như vậy khi bầu trời mở cửa trở lại, khởi thông cho ngành du lịch, kinh tế. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thế giới đánh giá là sẽ suy thoái nhanh và phục hồi nhanh khi trung tâm dịch ở châu Á. Hiện nay, trung tâm dịch ở châu Âu, còn khu vực Đông Bắc Á đã bình ổn trở lại, các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới sẽ phục hồi không nhanh, mất vài ba năm.  

“Chúng ta nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu” - ông Nghĩa cho biết và nói thêm rằng “Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng. Chúng ta đã dập dịch nhanh vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á. Việt Nam phục hồi nhanh nhờ cầu nội địa và cầu thế giới, hi vọng mở cửa nhanh cùng Hong Kong và Singapore”.

Châu Như Quỳnh