1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hàng không các nước bồi thường cho hành lý thất lạc ra sao?

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Mức đền bù, bồi thường hành lý bị hư hỏng, thất lạc cho khách hàng đi máy bay tại các nước không giống nhau. Tại Mỹ, mức trách nhiệm tối đa là 3.800 USD (hơn 90 triệu đồng) đối với chuyến bay nội địa.

Mất hành lý tại sân bay là điều không ai mong muốn bởi điều này gây ra không ít rắc rối cho hành khách. Mới đây, sự việc một hành khách người Việt bị thất lạc hành lý và được hãng bay đề xuất mức bồi thường ngay lập tức là 120.000 đồng/kg hành lý, sau 21 ngày kể từ ngày mất mà không tìm thấy đồ thì được bồi thường gần 470.000 đồng/kg đang thu hút đông đảo sự quan tâm.

Vậy các hãng hàng không của những quốc gia khác bồi thường ra sao trong trường hợp này?

Theo Bloomberg, tại Mỹ, các hãng hàng không có trách nhiệm bồi hoàn cho hành lý bị hư hỏng hoặc thất lạc của khách hàng. Cụ thể, mức trách nhiệm tối đa là 3.800 USD (hơn 90 triệu đồng) đối với chuyến bay nội địa và khoảng 1.800 USD (gần 43 triệu đồng) đối với chuyến bay quốc tế. Với các thiết bị hỗ trợ bị mất hoặc hư hỏng như xe lăn, nạng và thuốc kê theo toa, các hãng hàng không phải chi trả giá mua ban đầu.

Các hãng hàng không Alaska, Northwest, United và US Airways có chính sách bồi thường một số chi phí nhỏ liên quan đến quần áo và đồ vệ sinh cá nhân, thường là 50 USD (gần 1,2 triệu đồng) cộng với 25 USD (gần 600.000 đồng) mỗi ngày sau ngày đầu tiên hành lý thất lạc, tối đa 150 USD (3,6 triệu đồng). Ngoài ra, US Airways còn tặng thêm voucher du lịch trị giá 25 USD trong khi United Airways hứa sẽ hoàn trả 50% giá "mua hàng hợp lý".

Sau 5 ngày, trách nhiệm đối với hành lý thất lạc được chuyển từ các sân bay riêng lẻ sang dịch vụ hành lý trung tâm của các hãng hàng không.

Hàng không các nước bồi thường cho hành lý thất lạc ra sao? - 1

Mất hành lý gây ra nhiều rắc rối cho hành khách (Ảnh: Getty Images).

Theo USA Today, hãng hàng không phải bồi thường cho khách hàng giá trị của những thứ bên trong hàng lý thất lạc, trừ các món đồ có giá trị cao như đồ cổ, máy ảnh, tài liệu quý… có tính đến khấu hao.

Tại Anh, các hãng hàng không thường từ chối bồi thường nhiều hơn 1.100 USD (26 triệu đồng) đối với hành lý thất lạc.

Thông thường, một số hãng hàng không quốc tế 4-5 sao sẽ hỗ trợ một khoản tiền trong thời gian hành khách chờ tìm hành lý thất lạc. Số tiền này tùy thuộc vào chính sách của mỗi hãng và có thể đủ dùng để mua một vài vật dụng cá nhân và trang phục đơn giản để sử dụng trong thời gian trên.

Trên trang web của mình, China Airlines cho biết nếu sau 7 ngày hành lý vẫn chưa được tìm thấy, khách hàng cần điền vào mẫu có sẵn để hãng tìm hành lý và xử lý các khoản bồi thường liên quan.

Trang web cho biết thêm rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định bởi công ước liên quan sẽ tùy thuộc vào các điều khoản của Công ước Warsaw (20 USD/kg, tương đương 475.000 đồng) hoặc Công ước Montreal (khoảng 16,6 USD/kg, tương đương 394.000 đồng).

Một điểm cần lưu ý là số tiền trên có giá trị phụ thuộc phần lớn vào mức sống ở nơi hành khách đến. Ví dụ, nếu thất lạc hành lý ở nơi có mức sống cao, số tiền mà hãng bay chi trả cũng cao hơn một chút.

Về vấn đề mất hành lý tại sân bay, có nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ kiểm tra thẻ hành lý ký gửi sẽ làm tăng nguy cơ mất cắp hoặc thất lạc. Tại Mỹ, hành khách không cần đối chiếu hành lý khi rời sân bay vì họ đã phải trải qua khâu kiểm tra an ninh từ trước.

Cụ thể, hành lý ký gửi được dán mã vạch để dễ dàng cho việc kiểm tra. Nhờ đó, địa điểm và hành trình của chúng đều được lưu trên hệ thống, cho phép nhân viên sân bay cũng như hành khách tiện theo dõi.

Để ngăn chặn nạn trộm cắp hành lý hoặc cầm nhầm, các sân bay lớn tại quốc gia này đều gắn camera theo dõi hành vi. Khi phát hiện điều bất thường, nhân viên an ninh sẽ yêu cầu kiểm tra hành lý và giấy tờ liên quan.