Khách xuống máy bay bị mất hành lý, hãng hàng không "đền tiền theo cân"
(Dân trí) - Nếu hành lý ký gửi bị mất nhưng không được kê khai giá trị, mức bồi thường được áp dụng theo cân nặng của hành lý, chỉ đạt tương đối so với giá trị thực của hành lý bị mất. Nhiều hãng bay áp dụng.
Anh K. bị thất lạc hành lý khi bay từ Bangkok đến Nội Bài. Vietravel Airlines (hãng bay chở anh K.) đề xuất trước mắt, sẽ bồi thường thiện chí 5 USD (tương đương 120.000 đồng/kg). Còn sau 21 ngày tính từ ngày thực hiện chuyến bay, nếu không tìm thấy hành lý thì Vietravel Airlines sẽ đền bù 20 USD/kg (476.000 đồng/kg), theo quy định của hãng. Tuy nhiên, anh K. cho rằng phương thức đền bù như trên là chưa thỏa đáng và "không thể tính theo giá vali như vậy".
Câu chuyện bị mất hành lý sau bay và việc hãng đền bù như thế nào đang dấy lên nhiều tranh cãi. Độc giả Hung Cu đặt giả thiết những món đồ trong hành lý bị thất lạc có giá trị lên đến cả tỷ đồng, thì mức bồi thường theo kg sao bù đắp được; hay độc giả Truong NGUYEN VAN cho rằng tiền đền bù không đủ để mua lại cái vali.
Liên quan đến điều lệ vận chuyển và bồi thường đối với thiệt hại về hành lý ký gửi, các hãng hàng không tại Việt Nam có chính sách riêng để xử lý và đều đưa ra dựa trên Công ước Warsaw, Nghị định thư Hague, Nghị định thư Montreal và Công ước Montreal hiện hành.
Điều 22 Công ước Montreal quy định trong vận chuyển hành lý ký gửi và hàng hóa, trách nhiệm của hãng bay được giới hạn ở một khoản tiền nhất định cho một kg, trừ khi khách công bố giá trị vào lúc giao hàng và trả thêm tiền nếu có yêu cầu.
Trong trường hợp này, hãng bay phải trả một khoản tiền không vượt quá giá trị đã công bố, trừ khi hãng chứng minh được khoản tiền bồi thường đó lớn hơn giá trị thực tế của hành lý mà người gửi giao hàng.
Từ các công ước, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines đều tuyên bố bồi thường về hành lý cho khách dựa trên thiệt hại thực tế nhưng không vượt quá mức giới hạn trách nhiệm của hãng. Khách bay có trách nhiệm chứng minh thiệt hại thực tế đối với hành lý của mình.
Vietjet cho biết sẽ bồi thường cho khách bị thất lạc hành lý theo cân nặng của hành lý. Cụ thể, tuyến quốc nội sẽ bồi thường 200.000 đồng/kg, tuyến quốc tế bồi thường 20 USD (tương ứng 476.000 đồng)/kg hoặc ngoại tệ tương đương.
Đối với hành lý ký gửi bị hư hỏng từng phần, Vietjet sẽ bồi thường 150.000 đồng nếu vali bị gãy tay kéo, gãy bánh xe, đứt dây kéo, rách hoặc lõm; bồi thường 200.000 đồng nếu vali bị vỡ phần đáy túi (bánh xe); bồi thường 300.000 đồng nếu hành lý bị nứt hoặc dẹp.
Còn nếu muốn được bồi thường cao hơn mức giới hạn trách nhiệm của hãng, Vietnam Airlines gợi ý trước khi ký gửi, khách bay cần kê khai giá trị của hành lý và trả thêm phụ phí.
Vietnam Airlines và Vietravel Airlines cũng nhấn mạnh trường hợp khách bị mất một phần hành lý ký gửi, kể cả hành lý có kê khai giá trị cao hơn, thì hãng sẽ chỉ căn cứ vào tỷ lệ trọng lượng hoặc số kiện mà không xét đến giá trị của bất kỳ phần nào của hành lý.
Như vậy, có thể hiểu việc xác định mức bồi thường hành lý bị thất lạc được chia làm 2 trường hợp. Thứ nhất, hành lý ký gửi đã được kê khai giá trị, mức bồi thường được tính theo giá trị kê khai hoặc giá trị thực tế nếu có căn cứ. Thứ hai, hành lý ký gửi không được kê khai giá trị, mức bồi thường được áp dụng theo cân nặng của hành lý.
Ở trường hợp thứ hai, hầu như mức bồi thường chỉ đạt ở mức độ tương đối so với giá trị của hành lý bị mất và không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế.
Để tránh rủi ro khi ký gửi hành lý, các hãng hàng không khuyến nghị khách không nên để vật có giá trị, tài liệu quan trọng hoặc tiền bên trong. Hành khách nên dán nhãn ghi rõ thông tin liên hệ, kể cả phía trong túi hành lý; nên chọn loại vali có màu sắc hoặc hình dạng đặc biệt, dễ nhận ra; chụp ảnh hành lý trước khi làm thủ tục ký gửi…