Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng chưa khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê

(Dân trí) - Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho rà soát lại các nội dung như đánh giá toàn bộ quy trình, thủ tục và nội dung dự án, làm rõ năng lực nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội, quy hoạch, công nghệ; đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải và nguồn nước…

TKV, cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê muốn hồi sinh lại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
TKV, cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê muốn hồi sinh lại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, hiện dự án được đánh giá gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.

Theo UBND Hà Tĩnh, việc phê duyệt dự án cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cần phải được xem xét một cách khách quan, khoa học và phát triển bền vững.

Về dây chuyền công nghệ, theo đánh giá của Hà Tĩnh, đây là khu vực mỏ có điều kiện địa chất phức tạp, nằm sát biển, thân quặng phân bổ sâu, lớp đất chủ yếu (cát, sét…), nhiều nước ngầm, diện tích dự án 4.82 ha, không chỉ ảnh hưởng 6 xã của huyện Thạch Hà mà còn ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh trong quá trình khai thác, vận tải đất bóc và quặng có nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ.

Về phương án tiêu thụ, theo Hà Tĩnh, quặng sắt Thạch Khê mới chỉ thử nghiệm tại Nhà máy sản xuất thép của CTCP Thép Hoà Phát, CTCP Gang Thép Thái Nguyên với tổng công suất 1,75 triệu tấn/năm. Trong khi đó, quy hoạch ngành thép do Bộ Công Thương ban hành mang tính dự kiến, chưa có nhà máy sản xuất cụ thể vì vậy với công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm thì dự án chưa có phương án tiêu thụ cụ thể, đảm bảo cân đối thị trường thép và nguyên liệu trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Hà Tĩnh, liên quan đến môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp phép xả thải, một số nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chung chung, sơ sài, phần kiến nghị đề xuất chưa khẳng định tính đảm bảo môi trường vì vậy cần xem xét, rà soát lại sự phù hợp và việc áp dụng các văn bản pháp luật về môi trường trong triển khai thực hiện trong trường hợp dự án được khởi động lại.

Hà Tĩnh cũng cho biết, cần làm rõ đánh giá tác động môi trường đến vùng, dải ven biển của việc xây dựng đê lấn biển làm bãi thải, tác động ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng, đánh bắt hải sản, khu du lịch Thiên Cầm, Thạch Bằng và tác động môi trường, sụt lở đất do khác thai đến độ sâu trên 500m, đến các địa phương lân cận như Lộc Hà, TP. Hà Tĩnh…

Trong khi đó, đối với việc xử lý chất thải rắn cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Đây là dự án lớn, có nhiều loại và nhiều nguồn chất thải, trong đó có cả chất thải nguy hại. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cần xây dựng phương án cụ thể về phân loại, phân nguồn chất thải, phương án xử lý đối với từng loại chất thải, địa điểm, đơn vị xử lý chất thải theo quy định.

Liên quan đến hiệu quả kinh tế, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án mới tính toán phần hiệu quả nội hàm của dự án, chưa tính toán, đánh giá, chứng thực bằng số liệu và mô hình cụ thể để đưa ra các kết luận cơ bản về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể do dự án mang lại.

Về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo UBND Hà Tĩnh, cần xem xét các nội dung như phạm vi, đối tượng ảnh hưởng giải phóng mặt bằng dự án, bổ sung tài liệu nghiên cứu đánh giá tác động phạm vi ảnh hưởng gián tiếp của dự án theo lộ trình.

Để đảm bảo cho dự án và nhà đầu tư khắc phục các rủi ro tiềm ẩn và chuyển đổi rủi ro nhằm giảm thiểu các tác động cốt yếu, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, dự án cần được xem xét, bổ sung khoản mục chi phí bảo hiểm môi trường.

Hiện với vốn góp 1.809 tỷ đồng/2.033 tỷ đồng (chỉ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) góp đủ vốn huy động và đã giải ngân gần hết vào dự án, có 3 cổ đông không thực hiện nghĩa vụ góp đủ vốn cam kết), theo ý kiến của Hà Tĩnh, CTCP Sắt Thạch Khê cần làm rõ cụ thể phương án vay vốn, làm việc với các ngân hàng để ký hợp đồng tín dụng, cam kết cho vay trước khi dự án triển khai.

Từ những phân tích nêu trên, tại văn bản này, Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho rà soát lại các nội dung như đánh giá toàn bộ quy trình, thủ tục và nội dung dự án, làm rõ năng lực nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội, quy hoạch, công nghệ; đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải và nguồn nước…

“Khi chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung trên thì đề nghị chưa khởi động lại dự án, đồng thời quy định thời hạn cụ thể của việc rà soát, đánh giá hoàn thiện các nội dung liên quan của dự án”, UBND Hà Tĩnh kiến nghị.

Hà Tĩnh cũng cho biết, trong thời gian chờ rà soát, đánh giá lại dự án để xem xét việc khởi động lại hoặc trường hợp dừng thực hiện dự án, Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành có giải pháp xử lý các vấn đề tồn đọng của dự án hiện nay đặc biệt việc ổn định cuộc sống cho nhân dân 10 xã bị ảnh hưởng bởi dự án, được quy hoạch, sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng, duy trì vùng du lịch.

Trước đó, hôm 22/12, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng phát đi thông báo kết luận những vấn đề liên quan đến Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, trong đó thông tin đáng chú ý nhất là kiến nghị Trung ương chưa cho phép khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê vì còn quá nhiều bất cập, tồn tại chưa được giải quyết.

Như Dân trí đã thông tin, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), cổ đông giữ quyền chi phối đối với Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê trong năm 2016 và cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản (năm 2017, 2018).

Đại diện Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng mới đây cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang lên phương án xử lý mỏ sắt Thạch Khê và cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê.

Ông cũng cho biết, Bộ Công Thương dự kiến vào làm việc tại Hà Tĩnh, giải trình rõ những vấn đề Hà Tĩnh đang băn khoăn, lo ngại đến khi nào có sự đồng thuận của địa phương về các vấn đề liên quan đặc biệt vấn đề an toàn môi trường.

Tuy nhiên, có thể thấy, Hà Tĩnh thời gian qua đã thể hiện thái độ khá rõ ràng. Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiên Dũng với lãnh đạo cốt cán tỉnh Hà Tĩnh vào chiều 16/12, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cũng đặc biệt lưu tâm tới tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ là việc tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê trong bối cảnh địa phương vừa trải qua sự cố môi trường biển là không phù hợp.

Phương Dung