7.000 tỷ đồng hồi sinh mỏ sắt Thạch Khê: Ô nhiễm mà "không mang tới gì cả"

(Dân trí) - Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây ô nhiễm môi trường lớn hơn mà hiệu quả "không mang tới gì cả". Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển không nhỏ, lấy quặng sắt lên được mặt đất đã quá tốn kém chứ chưa nói tới là vận chuyển tới Ninh Thuận hay đâu đó để sản xuất thép.

Riêng mỏ sắt Thạch Khê, từ 5-10 năm nữa không nên tiến hành đầu tư làm gì cả!, GS Lê Ái Thụ phát biểu.
"Riêng mỏ sắt Thạch Khê, từ 5-10 năm nữa không nên tiến hành đầu tư làm gì cả!", GS Lê Ái Thụ phát biểu.

Cần 7.000 tỷ đồng hồi sinh mỏ sắt Thạch Khê

Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, hiện Bộ Công thương đang lên phương án xử lý mỏ sắt Thạch Khê.

"Cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê và phải tái cơ cấu cổ đông. Nguồn vốn có thể huy động thêm từ các doanh nghiệp tư nhân trong ngành thép như Tập đoàn Hoà Phát, Tôn Hoa Sen góp vốn vào đó. Đây là những doanh nghiệp có nguồn tiền và cũng là những doanh nghiệp sẽ tiêu thụ", ông Hoài cho biết.

Theo ông Hoài, mỏ sắt Thạch Khê hiện là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng lên tới 544 triệu tấn, trị giá khoảng 35 tỷ USD. Việc “tái khởi động” mỏ sắt này sẽ đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận hiện đang được xem xét để đưa vào quy hoạch.

Trong một động thái khác, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê trong năm 2016 và cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản (năm 2017, 2018).

TKV cho biết, kể từ khi triển khai (năm 2008) đến nay, các thủ tục pháp lý trong công tác thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, đấu nối hạ tầng giao thông đã được chấp thuận. Tổng giá trị vốn điều lệ các cổ đông cần góp là 2.033 tỷ đồng, tương ứng với 30% vốn giai đoạn 1.

Tuy nhiên, tổng vốn góp mới được khoảng 1.809 tỷ đồng, trong đó TKV đã góp đủ giá trị huy động là 1.076 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco chưa góp đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Về việc này, TKV đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về phương án góp vốn điều lệ vào TIC để tiếp tục triển khai dự án.

Về công tác bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng, TIC cho biết đã gặp nhiều khó khăn về tài chính nhưng đơn vị đã ưu tiên vốn bảo vệ môi trường, chi trả, bồi thường cho các hộ dân trong diện di dời với tổng giá trị gần 704 tỷ đồng. Hiện các thủ tục pháp lý liên quan đối với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh đã được TIC triển khai.

Không đầu tư sẽ tốt hơn

Trao đổi về vấn đề này, GS Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam thẳng thắn: "Trong bối cảnh hiện nay, có nên tái khởi động dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay không? Nếu mà ngồi trao đổi thì có nhiều vấn đề, để đầu tư khai thác đến khi ra được thép thì mất nhanh nhất cũng phải vài năm nữa. Tại thời điểm hiện nay, giá quặng sắt rẻ thì việc khai thác quặng sắt trong nước cũng không thuận lắm đâu".

"Riêng mỏ sắt Thạch Khê, từ 5-10 năm nữa không nên tiến hành đầu tư làm gì cả. Lý do là điều kiện khai thác, công nghệ hiện nay làm tổn thất quặng rất lớn, ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế rất thấp vì chưa đảm bảo. Dừng đầu tư tiếp mỏ sắt Thạch Khê thì sẽ tốt hơn", ông Thụ nói.

Theo ông Thụ, nếu tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây ô nhiễm môi trường lớn hơn mà hiệu quả "không mang tới gì cả". Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển không nhỏ, lấy quặng sắt lên được mặt đất đã quá tốn kém chứ chưa nói tới là vận chuyển tới Ninh Thuận hay đâu đó để sản xuất thép.

"TKV là doanh nghiệp nhà nước, tiền đầu tư là tiền của dân, đầu tư lỗ hàng nghìn tỷ đồng thì ai chịu trách nhiệm cả", vị chuyên gia nói.

Cách đây không lâu, phát biểu tại một hội thảo, GS Lê Ái Thụ cũng thẳng thắn cho rằng, khi đầu tư còn phải xem xét hiệu quả sử dụng tài nguyên, trong đó căn cứ để quyết định đầu tư là trữ lượng, quy mô tài nguyên có hiệu quả trong lòng đất. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc đánh giá là không theo quy định nên không có cơ sở đầu tư. Cụ thể, như mỏ sắt Thạch Khê, trữ lượng đánh giá từ đầu những năm 1980 là 544 triệu tấn mà vẫn được cho quy mô lớn nhất Đông Nam Á nhưng đây mới chỉ là quy mô về tài nguyên, không phải trữ lượng.

"Về mỏ sắt Thạch Khê. cách đây 20 năm, nếu đưa vào khai thác mà có hiệu quả thì tôi xin về bơm xe đạp kiếm sống, không làm nghiên cứu vì đầu tư vô lý mà lại bằng tiền nhà nước. Cần xem xét lại chứ không đầu tư thì sau này ai sẽ chịu trách nhiệm cho cái không hiệu quả ở đây. TKV lấy tiền từ nhà nước đầu tư, mỗi năm CTCP Sắt Thạch Khê phải đóng quyền cấp quyền khai thác 114 tỷ nhưng trong 2 năm 14-15 khi chưa có 1 đồng thu nào từ sản phẩm khai thác, tới năm 2016 phải nộp gấp đôi nhưng xin hoãn chuyển sang 2017", ông Thụ phát biểu tại hội thảo.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA) nói: "Đây là bài toán phức tạp, mấy chục năm nay vẫn là vấn đề nhức nhối. Thạch Khê là mỏ sắt trữ lượng lớn, chất lượng hàm lượng sắt cao 62% nhưng nhược điểm là hàm lượng kẽm cao so với các loại quặng khác. Ngoài ra, vị trí đặc biệt, điều kiện khai thác địa chất khó khăn nên việc khai thác đã được chú ý từ lâu nhưng chưa tiến triển được mấy. Do đó, phải phân tích điều kiện thực tiễn cụ thể trước khi triển khai".

Đồng quan điểm, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thị Chiều, nguyên Giảng viên Khoa KH&CN Vật liệu – ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, việc đầu tư mở rộng dự án thép hay tập trung nguồn tài chính để khai thác mỏ quặng sắt tại Thạch Khê, Hà Tĩnh cần phải xem xét hết sức thận trọng.

“Chúng ta nhập quặng từ các nước rẻ hơn thì nên để dành quặng sắt Thạch Khê. Nhiều nước có chính sách nhập khoáng sản và để dành tài nguyên của đất nước cho con cháu sau này có điều kiện kỹ thuật tốt hơn khai thác, sử dụng. Nếu chúng ta cố đấm ăn xôi phát triển dự án này thì rất khó, rất khổ con cháu về sau này. Giờ khai thác rồi thì sau này không còn gì cả”, PGS. TS Chiều khẳng định.

Phương Dung