1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hà Nội: Sẽ còn nhiều bức tường siêu mỏng bạc tỷ?

(Dân trí) - Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, câu chuyện bức tường được rao bán tiền tỷ tại Hà Nội vừa qua có lẽ chưa có tiền lệ trên thế giới…

Chuyện hy hữu trên con đường… “siêu đắt đỏ”

Nhận định về chuyện những bức tường tiền tỷ xuất hiện ngày một nhiều trên các tuyến phố mới mở rộng của thủ đô như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, khu vực Trần Phú - Lê Trực – Ông Ích Khiêm, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị không khỏi lo lắng cho bộ mặt của Hà Nội trong tương lai.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại trên những con đường mới mở là do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch đô thị.

"Chả phải bây giờ mà đã hàng chục năm nay, người dân Hà Nội với canh cánh nỗi lo cho bộ mặt những con đường mới mở. Từng đó năm, Hà Nội vẫn vừa làm vừa lo… dẹp nhà siêu mỏng, siêu méo. Dẹp nhà siêu mỏng chưa xong thì giờ lại xuất hiện những bức tường tiền tỷ", TS Phạm Sỹ Liêm chia sẻ.

 

 

Phân tích thêm về nguyên nhân của việc bộ mặt đô thị Hà Nội đang mất cân đối và lộn xộn, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng: “Đồng ý rằng việc phân công mỗi một ngành làm một công việc cho chuyên nghiệp. Nhưng phân công sẽ rất có hại nếu không có sự phối hợp khi ngành nào chỉ biết ngành đó. Ví dụ tôi là ngạch thi công đường, tôi sẽ chỉ làm đường và tính đền bù. Còn nhà hai bên đường như nào thì tôi lại… “không liên quan” vì có thuộc ngành khác, Sở khác. Chính điều này đã khiến những con đường mở cứ mở, còn quy hoạch kiến trúc hai bên đường thì lố nhố, thò ra thụt vào và rồi nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện tràn lan”.

Trên thực tế, cũng phải thừa nhận rằng, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt ra quân xử lý những căn nhà không đủ tiêu chuẩn và thuộc dạng siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cho rằng việc cứ để xảy ra mới lo đi giải quyết như vậy không giải quyết dứt điểm được vấn đề.

tường_ tiên tỷ
Bức tường tiền tỷ trên đường Nguyễn Văn Huyên gây chú ý thời gian qua

“Sau khi luật thủ đô có hiệu lực từ tháng 7/2013, Quốc hội đã cho phép Hà Nội cơ chế đặc thù khi làm các đường mới được phép giải phóng mặt bằng những thửa đất siêu mỏng siêu méo hoặc có hình dáng không hợp lý. Trên cơ sở đó tạo lập một diện mạo mới cho thủ đô. Bằng phương pháp hợp thửa, hợp khối và quản lý chặt chẽ để tránh hiện tượng tự tiện trao đổi với giá không hợp lý. Như vậy, rõ ràng Hà Nội trong khi mở đường phát hiện ra những thừa đất không hợp lý có thể điều chỉnh lại chức năng sử dụng đất như vậy sẽ thuận lợi hơn”, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, phân tích.

Lý giải kỹ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện bức tường tiền tỷ hay nhà siêu mỏng, siêu méo, TS Phạm Sỹ Liêm đánh giá: “Nếu so sánh với thế giới trong việc quy hoạch đô thị chúng ta dễ nhận thấy, ở các nước phát triển, trong quy hoạch đô thị, thường có một người gọi là Tổng công trình sư hay kỹ sư trưởng của thành phố. Người này sẽ có nhiệm vụ kết hợp giữa các khâu trong công tác quy hoạch lại để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trong khi đó, ở Hà Nội hiện nay cách làm đa phần theo kiểu… mạnh ai nấy làm, thiếu kết nối, đồng bộ”.

sieu_mỏng_dantri
Đây là một "bức tường" đang được rao bán với giá không rẻ chút nào...

Ông Liêm cũng cho rằng, rõ ràng, trong khi những con đường mới mở ra sẽ có lợi cho cả thành phố nhưng lợi ích của từng hộ ở đất đó thì hoàn toàn khác nhau. Do đó, sẽ xảy ra tình trạng, với những hộ chuyển đi nhưng có khi chỉ còn khoảng 1 - 2m2 đất cũng dứt khoát không bán hoặc bán với giá rất cao vì họ sẽ tính đến nước bán với giá cao để nhà ở đằng sau không thể bán được. Như vậy, vô hình chung đã xuất hiện những mâu thuẫn mà trong công tác quy hoạch đô thị rõ ràng có thể sớm giải quyết được.

“Tôi cho rằng, chúng ta làm đoạn đường đầu tiên Hoàng Cầu - Ổ Chợ Dừa và xảy ra tình trạng nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện, chính quyền nên rút kinh nghiệm ngay để sau này không tái diễn nữa. Nhưng dù báo chí đã phản ánh thì tình trạng ấy vẫn diễn ra vì không được giải quyết dứt khoát. Thực trạng như hiện nay như một hệ quả đã đoán được trước”, TS Liêm cho biết.

“Giải cứu” quy hoạch đô thị Hà Nội

Trước thực trạng như hiện tại của đô thị tại thủ đô, các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, sự xuất hiện của những “bức tường tiền tỷ” chính là lời cảnh báo vì đây có thể coi là một “biến tướng” mới của nhà siêu mỏng, siêu méo trên những tuyến đường mới mở.

“Hiện tại việc quy hoạch đô thị ở Hà Nội vẫn còn quá nhiều thứ cần phải xử lý. Tôi cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng “tường tiền tỷ” hay nhà siêu mỏng, siêu méo, trong quá trình làm đường, chúng ta phải tính cả cho việc phát triển đô thị hai bên đường. Ví dụ với một dải đô thị rộng 100m, nên thu hồi tất cả đất để làm đường, còn hai bên đường từng lô đất phải theo quy hoạch đấu giá cho người vào đầu tư phát triển. Ngoài ra còn có thể xây dựng khu tái định cư cho người dân. Với người muốn kinh doanh buôn bán có thể mở chợ hoặc ki ốt nhưng phải đảm bảo quy hoạch chung. Như vậy, việc phát triển phải dựa trên việc lấy con đường mới mở làm trung tâm chứ không phải chỉ làm một con đường còn hai bên mặc kệ. Tôi nghĩ chúng ta có thể xử lý được và cần phải quyết tâm chứ không phải làm rồi chạy đi xử lý như hiện nay”, TS Phạm Sỹ Liêm hiến kế.

 

 

Trong khi đó, theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị VN, chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ ngay từ khâu giải toả đền bù khi chuẩn bị mở một con đường mới xuyên qua khu dân cư.

Ví dụ, khi mở rộng đường đã có quy hoạch thì có thể biết được còn bao nhiêu hộ dân trong khu vực, đồng thời điều tra hiện trạng kỹ lưỡng về đất hiện trạng hai bên, đường như thế nào, để đưa ra bản quy hoạch kiến trúc các hộ dân hai bên đường.

Cũng theo ông Chính, hiện tại ở Hà Nội mới chỉ biết làm con đường còn xung quanh thì không mấy quan tâm đến. Sau này sẽ như thế nào đối với nhà hai bên đường. Chính vì vậy, những bức tường tiền tỷ hay nhà siêu mỏng, siêu méo có lẽ đang phá hỏng bộ mặt đô thị của thủ đô.

img-6181-copy-8f5e3
Một căn nhà siêu mỏng trên phố Trần Phú kéo dài

“Rõ ràng vấn đề quản lý của chúng ta đang gặp vấn đề trog quy hoạch đô thị vì không phải tự người dân có thể thoải mái xây dựng những căn nhà siêu mỏng, siêu méo như vậy. Hơn nữa, không người dân nào có thể xây một căn nhà trong một đêm, hai đêm được mà nó kéo dài thành cả một quá trình. Vậy ai quản lý nó, tại sao chính quyền biết không làm? Tại sao không có quyết định mà người ta vẫn xây được”, ông Chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Chính cũng “hiến kế” để giải quyết tính trạng méo mó của bộ mặt đô thị Hà Nội với những “bức tường tiền tỷ” hay những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, tốt nhất giải pháp dứt điểm đó là chúng ta phải có thiết kế đô thị hai bên đường hết sức chỉn chu, người dân cũng phải được lấy ý kiến, các cơ quan quản lý cũng phải có cơ chế quản lý, nhờ tư vấn thiết kế có kiểm duyệt chặt chẽ. Sau đó đưa ra thực thi nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ không còn nhà siêu mỏng siêu méo vì muốn làm phải được cấp phép xây dựng nghiêm túc.

Xuân Ngọc

Hà Nội: Sẽ còn nhiều bức tường siêu mỏng bạc tỷ? - 4