1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao hàng xóm không mua "bức tường 1 tỷ"?

Nếu không có bức tường 1,7m án ngữ, thửa đất phía trong sẽ ra mặt tiền trên “con đường ngàn tỷ” Nguyễn Văn Huyên vừa mới khánh thành. Giá trị của nó theo đó cũng được nâng lên gấp nhiều lần, với con số 23 tỷ đồng.

Câu chuyện ông Nguyễn Phương Châm viết thông báo rao bán “bức tường 1,7m” không phải là chuyện hiếm gặp ở Hà Nội. Tuy nhiên, “chuyện riêng” này lại thu hút dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

bức tường 1 tỷ, Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, đất vàng...

"Bức tường 1 tỷ" trên đường Nguyễn Văn Huyên.

Nhiều người đồng tình với ông Châm về mức giá 1 tỷ đồng mà ông đưa ra. Bởi lẽ, với những dự án mở đường hầu như đã làm thay đổi hoàn toàn giá trị nhà đất hai bên đường, nhất là những “con đường ngàn tỷ” như đường Thái Hà, Xã Đàn, Nguyễn Văn Huyên…

Về mặt pháp luật, ông Châm được chính quyền thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp trên thửa đất còn sót lại, sau khi bị thu hồi gần hết đất ở. Gia đình ông cũng đã nhận tiền đền bù và chuyển đến ở khu tái định cư.

Với “bức tường” trên mặt tiền của đường Nguyễn Văn Huyên, nhiều người đã “tư vấn” cho ông Châm có thể dựng một mặt bằng để cho thuê biển quảng cáo.

Trên nhiều tờ báo, ông Châm cũng khẳng định, ông không có ý định chống đối chính quyền hay gây khó dễ cho ai, ông cũng không có ý định xây nhà siêu mỏng, siêu méo để làm rối quy hoạch. Ông sẵn sàng bán bức tường đó cho hàng xóm liền kề.

bức tường 1 tỷ, Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, đất vàng...
Những ngôi nhà "siêu mỏng" đang bắt đầu thành hình trên đường Nguyễn Văn Huyên.

Mức giá ban đầu được đưa ra là 400 triệu đồng. Tuy nhiên, thỏa thuận không thành và tính toán kinh tế, ông cho rằng mức giá hơn 1 tỷ đồng mới hợp lý.

“Nếu gia đình hàng xóm mua, nghiễm nhiên đất của họ thành mặt đường và có giá bán cao hơn gấp nhiều lần hiện nay. Tính sơ bộ cũng vào khoảng 23 tỷ đồng. Vậy bỏ ra 1 tỷ mua đất thì cũng đâu có gì thiệt thòi", ông Châm nói.

Hàng xóm của “bức tường” là gia đình bà Hợi – một hộ dân thuộc nhóm hộ nghèo của phường Quan Hoa.

“Điều kiện kinh tế của bà Hợi rất khó khăn. Mới đây, gia đình bà mới “ra” khỏi danh sách hộ nghèo, do tiêu chí đánh giá hộ nghèo thay đổi. Đấy cũng là lý do chính khiến bà Hợi chưa thể mua lại “bức tường” để ra mặt đường được” – chủ tịch phường Quan Hoa, Nguyễn Minh Tuyên giải thích.

Trước khi bị giải tỏa làm đường, các hộ dân bị thu hồi đất thuộc tổ 23 (cũ) của phường Quan Hoa. 179 hộ dân thuộc diện thu hồi hoàn toàn, đã được bố trí nơi tái định cư mới.

“Bức tường một tỷ” nguyên là một phần của ngôi nhà tập thể 12 gian chung móng, chung mái của 12 gia đình. Gia đình bà Hợi và gia đình ông Châm là hàng xóm của nhau, mỗi bên sở hữu nửa bức tường.

Gia cảnh của bà Hợi khá éo le. Thu nhập chính của bà là khoản lương hưu hơn 3 triệu/tháng. Con cái của bà Hợi không có việc làm, vẫn sống phụ thuộc mẹ. Ngoài ra, bà còn có trách nhiệm chăm nuôi bà chị gái của chồng không có chồng con, đang tuổi cao sức yếu.

“Ông Châm nói chúng tôi nếu mua mảnh đất của gia đình ông thì giá trị nhà sẽ tăng lên nhiều lần, giá 23 tỷ. Tuy nhiên, chỉ có giá trị nếu chúng tôi bán đi, còn gia đinh tôi không bán vì đây là đất tổ tiên,là nơi thờ tự nên chúng tôi không thể bán được.

“Mức giá ông Châm đưa ra quá cao với khả năng của tôi. Nếu ông Châm đồng ý mức tiền từ 100 triệu trở xuống thì tôi còn cố gắng chạy vạy để mua” – bà Hợi cho biết.

Tuy nhiên, chủ nhân bức tường 1,7m kiên quyết: “Nếu 100 triệu thì tôi để đó cho thuê dán biển quảng cáo.”.

Chia sẻ quan điểm của chính quyền, chủ tịch phường Quan Hoa cho biết: “Chúng tôi tạo điều kiện cho người dân tự thỏa thuận, giao dịch với nhau để họ có thể hợp thửa, hợp khối đối với những diện tích không đủ điều kiện cấp phép xây dựng. Trường hợp các hộ dân không thỏa thuận với nhau được, lúc đó quận sẽ có phương án thu hồi để làm công trình công cộng”.

Theo Thái Bình
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm