Hà Nội kêu gọi vốn hơn 7 tỷ USD làm 4 đường sắt trên cao mới

(Dân trí) - UBND Thành phố Hà Nội vừa cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố sẽ kêu gọi vốn cho 52 dự án đầu tư xây dựng giao thông bằng hình thức PPP (hợp tác công tư giữa nhà nước và tư nhân), trong đó có 4 dự án đường sắt trên cao mới.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho 52 dự án giai đoạn 2016 -2020 là 338.000 tỷ đồng, trong đó 4 dự án PPP đường sắt trên cao chiếm một nửa với 150.000 tỷ đồng (khoảng 7,1 tỷ USD).

Hà Nội kêu gọi vốn tư nhân làm 4 đường sắt trên cao từ nay đến năm 2020 (ảnh minh họa)
Hà Nội kêu gọi vốn tư nhân làm 4 đường sắt trên cao từ nay đến năm 2020 (ảnh minh họa)

Đáng chú ý, dự án kêu gọi vốn đầu tư đường sắt đô thị số 6 (từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài) dài nhất trong 4 dự án với 47 km, đường đôi 1435 mm, dự kiến tổng vốn đầu tư là 14.282 tỷ đồng.

Còn lại là các tuyến đường sắt đô thị số 4 giai đoạn I (từ Liên Hà - Vĩnh Tuy) với chiều dài 18 km (6 km ngầm), tổng vốn đầu tư là 40.885 tỷ đồng; tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3 (Đoạn từ ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 8 km (3 km ngầm), 7 ga với tổng vốn đầu tư dự kiến là 28.175 tỷ đồng và tuyến đường sắt đô thị số 5 với chiều dài 38,4 km, tổng vốn đầu tư là 65.572 tỷ đồng.

Liên quan đến con số 52 dự án được huy động PPP, TP. Hà Nội dự kiến kêu gọi đầu tư vào 5 dự án y tế, 12 dự án nước sạch, 15 dự án công nghiệp và thương mại dịch vụ, 5 bãi đỗ xe, 11 dự án công viên, bệnh viện và 10 dự án nhà ở xã hội...

Liên quan đến các công trình xây dựng mới và cải tạo các chung cư cũ, UBND TP. Hà Nội cũng đưa ra con số hơn 315.000 tỷ đồng (15 tỷ USD) để cải tạo, xây mới 10 khu chung cư cũ xuống cấp trầm trọng hiện nay. Các dự án phải được thực hiện từ nay đến năm 2020 bởi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, sức khỏe và tính mạng của người dân.

Đây là lần đầu tiên, Hà Nội công khai kêu gọi tư nhân tham gia xây dựng các công trình giao thông, cơ sở vật chất bằng hình thức PPP. Trước đó, chủ yếu các dự án được thực hiện bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ chính thức (ODA) và hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh và chuyển giao).

Theo UBND TP. Hà Nội, việc huy động tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ bản của Hà Nội nhằm giảm tải áp lực về ngân sách Nhà nước, huy động được vốn tư nhân và kinh nghiệm quản lý các dự án. Theo các chuyên gia kinh tế, dù PPP là khái niệm đầu tư mới tại Việt Nam song trên thế giới PPP đã phát triển rất nhanh chóng như Pháp và Ấn Độ, rất nhiều công trình giao thông, xây dựng, trường học, viện nghiên cứu tư nhân tham gia xây dựng, quản lý và vận hành cùng Nhà nước có hiệu quả rất cao.

Nguyễn Tuyền

Hà Nội kêu gọi vốn hơn 7 tỷ USD làm 4 đường sắt trên cao mới - 2