Giới phân tích Trung Quốc: Evergrande không phải là "quá lớn để sụp đổ"

(Dân trí) - Các học giả Trung Quốc phản bác quan điểm cho rằng Evergrande "quá lớn để sụp đổ" và cho biết chính công ty phải có trách nhiệm xử lý. Vẫn còn quá sớm để nói đến một gói giải cứu của chính phủ.

Các cuộc thảo luận về số phận của Evergrande vẫn tiếp tục nổ ra. Trong khi giới học giả phương Tây cho rằng Evergrande "too big to fail" (quá lớn để sụp đổ) với hy vọng Trung Quốc ra tay giải cứu. Nhưng giới học giả Trung Quốc lại không cho là như thế. 

Giới phân tích Trung Quốc: Evergrande không phải là quá lớn để sụp đổ - 1

Dự kiến sẽ có nhiều chính sách chống lại Evergrande. Đây có thể là điểm khởi đầu cho việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến bất động sản của Trung Quốc (Ảnh: VCG).

Thời báo Hoàn Cầu dẫn ý kiến của các nhà phân tích nước này cho rằng những bàn tán tiêu cực về triển vọng kinh tế Trung Quốc dựa trên vụ việc đơn lẻ của Evergrande là không hiểu gì về mô hình phát triển của Trung Quốc.

"Cuộc khủng hoảng của Evergrande không nằm ngoài dự đoán. Sự phát triển của công ty này đã bị ảnh hưởng do dồn vốn cho các mảng kinh doanh không liên quan như nước đóng chai và xe điện", ông Cong Yi - Giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thiên Tân - cho biết.

Theo ông, thị trường đã phản ứng quá mức đối với vấn đề nợ của Evergrande. Đầu năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã có định hướng đối với thị trường bất động sản nước này, đó là nhà để ở chứ không phải để người dân đầu cơ. Do đó, cuộc khủng hoảng của Evergrande được phơi bày cho thấy chính quyền nước này kiên quyết chấn chỉnh lĩnh vực đang phát triển quá "nóng" này mà chủ yếu dựa vào đống nợ.

Trước nhận định của các nhà phân tích trên báo giới nước ngoài cho rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể gây ảnh hưởng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc "tồi tệ hơn nhiều" so với vụ Lehman, ông Cong cho rằng nói như thế là họ không hiểu về mô hình phát triển của Trung Quốc.

"Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc trong tương lai là dựa vào sự đổi mới và nền kinh tế thực chứ không phải là những đóng góp ngắn hạn của lĩnh vực bất động sản", ông khẳng định.

Các nhà phân tích nước này cũng phủ nhận nhận định của báo giới nước ngoài khi cho rằng Trung Quốc liên tiếp bơm tiền vào hệ thống là ngụ ý giải cứu công ty và cho rằng, điều đó là "không có căn cứ, thổi phồng và không chuyên nghiệp".

"Hoạt động tiền tệ theo quy định không liên quan gì đến trường hợp của Evergrande", một nhà phân tích làm việc tại một ngân hàng đầu tư ở Thượng Hải nói.

Theo ông Cong, trọng tâm hiện tại của Evergrande là chủ yếu giải quyết các khoản thanh toán đến hạn đối với các sản phẩm quản lý tài sản lãi suất cao. Đồng thời ông cũng lưu ý rằng, bản thân công ty phải có trách nhiệm xử lý và vẫn còn quá sớm để nói đến một gói giải cứu của chính phủ.

"Evergrande không phải là "quá lớn để sụp đổ". Ngoài ra, cứu trợ không nằm trong nguyên tắc của chính phủ trong việc can thiệp vào các biến động tài chính", ông nói.

Yan Yuejin - Giám đốc nghiên cứu tại Viện R&D Trung Quốc E-house, có trụ sở tại Thượng Hải - cũng cho biết: "Có nhiều bài báo chưa chính xác về cuộc tái cơ cấu Evergrande và việc tiếp quản của các chính quyền địa phương. Nhưng điều đó phù hợp với kỳ vọng rằng chính quyền địa phương sẽ tiếp quản".

Theo ông, Evergrande có rất nhiều dự án. Nếu không được xử lý ở nhiều nơi khác nhau, công ty sẽ thực sự gặp rủi ro.

Ông Yan cho biết thêm, dự kiến sẽ có nhiều chính sách chống lại Evergrande. Đây có thể là điểm khởi đầu cho việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến bất động sản của Trung Quốc.

* Too big to fail (quá lớn để sụp đổ): khái niệm mô tả tình trạng trong đó chính phủ sẽ can thiệp vào những tình huống mà sự sụp đổ của một doanh nghiệp sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế nói chung, do doanh nghiệp đó có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến nền kinh tế. Nếu một công ty như vậy sụp đổ, nó sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền thảm khốc cho toàn bộ nền kinh tế.