Giải ngân vốn nước ngoài "đáng báo động": Phát sinh chi phí, ảnh hưởng uy tín Việt Nam
(Dân trí) - Chuyên gia nước ngoài cho rằng, việc chậm giải ngân vốn vay nước ngoài cho các dự án đầu tư sẽ khiến Việt Nam phải trả các khoản chi phí cam kết cao hơn và ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham luận tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 diễn ra ngày 25/6 của UBND TPHCM cho biết, hiện tại, việc bố trí vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cấp phát từ Ngân sách Trung ương chưa đảm bảo theo nhu cầu và tiến độ thực hiện dự án theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài.
"Cụ thể là các dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 và dự án Vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh - giai đoạn 2", UBND TPHCM cho biết.
Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cấp có thẩm quyền sớm bố trí đầy đủ vốn ODA trung hạn và hằng năm đối với các dự án thực hiện theo cơ chế cấp phát từ Ngân sách Trung ương.
"Điều này nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo đúng các Hiệp định vay đã cam kết nhằm sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm thanh toán và các khiếu kiện của nhà thầu nước ngoài, đồng thời, nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải ngân vốn ODA và tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ODA hàng năm", báo cáo nêu.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, tình trạng giải ngân vốn nước ngoài đang ở mức "đáng báo động".
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thống kê, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài cho cấp phát đầu tư phát triển trong nửa đầu năm nay mới đạt 2.050 tỷ đồng, đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao.
Khoản cho vay lại với chính quyền địa phương cùng thời gian trên cũng chỉ đạt khoảng 216 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch. Cho vay lại với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công là 7.664 tỷ đồng, đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại.
"Tình hình trên cho thấy tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 là rất chậm," ông Trương Hùng Long lên tiếng.
Nói về nguyên nhân sự chậm trễ, ông Trương Hùng Long cho rằng, một phần do kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu. Vị này tính toán, hiện có 26 khoản vay với tổng trị giá là hơn 3,4 tỷ USD ký mới từ năm 2016 đến nay, có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Ông Trương Hùng Long cũng chỉ ra, tới nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều bộ, ngành địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách.
Trong khi đó, nhiều trường hợp, các dự án mặc dù được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác triển khai rất chậm. Điều này cho thấy, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập bặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư vấn thiết kế dự án, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Còn theo ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam thì nêu lên, tốc độ giải ngân vốn của Việt Nam đang chậm lại trong 3-4 năm qua. "Tốc độ giải ngân trung bình của Việt Nam hiện tại chỉ bằng một nửa giai đoạn trước và bằng một nửa so với các nước nhận tài trợ của chúng tôi. Đây là quan ngại lớn," vị đại diện ADB nêu lên.
"Việc chậm trễ này sẽ khiến Việt Nam phải trả các khoản chi phí cam kết cao hơn và ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Chưa kể, hiệu quả của dự án từ đó sẽ bị ảnh hưởng. Dù không tác động ngay lập tức nhưng về lâu dài, sự chậm trễ sẽ tác động tới sự tăng trưởng, phát triển của kinh tế Việt Nam," vị này cảnh báo.
Phương Dung