Giá xăng giảm, người tiêu dùng chịu thiệt

Người dân không thể chấp nhận giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá cước vận tải và hàng hóa đứng yên.

Giá xăng hôm 3/9 giảm tiếp gần 1.200 đồng/lít. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng giảm bảy lần với tổng cộng gần 5.600 đồng/lít và bốn lần tăng với mức 5.040 đồng. Tính chung, giá mỗi lít xăng hiện nay đã rẻ hơn so với hồi đầu năm khoảng 548 đồng.

Theo tính toán của các chuyên gia, nhiên liệu chiếm 35%-40% cước phí vận tải, do đó nếu giá xăng dầu giảm thì cước vận tải sẽ giảm tương ứng. Thế nhưng điều lạ lùng là giá hàng hóa, cước vận tải vẫn án binh bất động.

Cước tăng 180%, giảm chỉ 5%

Ông Nguyễn Trí Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Nông trang Island, bức xúc: “Trước đây, mỗi lần giá xăng tăng, cước vận tải lập tức tăng theo ngay. Trong đó cước vận tải xe tải nhỏ tăng 100%, từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng ngay sau khi có thông tin giá xăng tăng mạnh. Đối với xe tải lớn, mức tăng có khi lên đến 150%-180%. Điển hình là cước vận tải từ Vĩnh Long đi Gia Lai, bình thường chúng tôi chỉ phải bỏ ra 7-7,5 triệu đồng/xe (trọng tải 8-10 tấn hàng) song khi giá xăng tăng vào cuối năm ngoái, cước vận tải tăng tới 16-17 triệu đồng/xe. Sau khi tăng họ giữ nguyên cho đến giờ, không chịu giảm dù giá xăng dầu đã nhiều lần giảm mạnh”.

Theo ông Nghiệp, công ty ông thường thuê vận chuyển các mặt hàng cây giống, cước phí vận tải chiếm rất lớn trong tổng giá trị hàng hóa. “Điều đáng buồn là khi chúng tôi đàm phán lại với đơn vị vận tải đề nghị họ giảm giá cước thì họ chỉ đồng ý giảm không đáng kể, chỉ 5%-10%”.

Giá xăng giảm, người tiêu dùng chịu thiệt - 1
Một số mặt hàng không chịu giảm theo giá xăng dầu, thậm chí còn tăng. Trong ảnh: Khách chọn mua hàng tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Đề cập đến sự bất hợp lý này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, thừa nhận hiện nay chưa có đơn vị nào của hiệp hội đăng ký giảm giá cước. Ông Liên nói: “Không quản lý được các đơn vị vận tải hàng hóa, bởi đó là thỏa thuận giữa doanh nghiệp (DN) vận tải và khách hàng. Tuy nhiên, trước đây đơn vị nào tăng cước thì bây giờ giá xăng dầu giảm phải giảm theo. Nếu không giảm thì cơ quan chức năng xử phạt”.

Ông Tô Văn Tuynh, Giám đốc khu vực Đông Nam Bộ - Tập đoàn Mai Linh, thì cho biết dự kiến sang tuần sau sẽ điều chỉnh giảm giá cước taxi. Cụ thể, hãng sẽ giảm 500-1.000 đồng/km, gần tương đương với mức giảm của giá xăng.

Lý giải vì sao thời gian qua giá xăng dầu liên tục giảm nhưng đến bây giờ công ty mới có kế hoạch giảm cước taxi, ông Tuynh nói: “Không sung sướng gì đâu vì mỗi lần điều chỉnh giá cước theo sự biến động của giá xăng dầu là mỗi lần tốn thêm nhiều chi phí. Nào điều động tập hợp xe, tốn nhân lực, thời gian; rồi kiểm định, lập trình… Mỗi lần xe taxi điều chỉnh giá cước tốn vài triệu đồng/xe, hãng có hàng ngàn xe thì chi phí rất lớn”.

Không giảm mà còn tăng

Những lần xăng dầu tăng giá trước đây, hàng hóa đều “nhảy múa” theo. Thế nhưng khảo sát tại một số chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM như Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Hai… chúng tôi nhận thấy giá hàng hóa vẫn bình chân như vại, thậm chí một số mặt hàng còn tăng. Một tiểu thương tại chợ Nguyễn Văn Trỗi cho hay đường cát tăng 1.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg.

Theo đại diện siêu thị Lotte Mart, đến thời điểm hiện tại hệ thống siêu thị chưa nhận được thông báo giảm giá nào từ các nhà cung cấp. “giá xăng giảm thì cũng phải mất một khoảng thời gian để làm việc lại với nhà cung cấp, sau đó mới có kết quả” - ông Ngô Tuấn Cường, Giám đốc ngành hàng thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam, lý giải.

Không chỉ vậy, một siêu thị còn thông tin có một số nhà cung cấp ngành hàng mỹ phẩm thông báo tăng giá hàng hóa. Như sữa tắm Enchanteur từ 51.000 đồng tăng lên 53.000 đồng, lăn khử mùi Enchanteur từ 53.500 đồng lên 65.000 đồng, son Miracle Apo từ 70.000 đồng lên 74.000 đồng. Mức giá mới này áp dụng từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9.

Các DN giải thích giá xăng dầu giảm nhưng tỉ giá USD tăng nên “bù qua sớt lại”. Thêm nữa, hiện giá cước vận tải không giảm nên giảm giá hàng hóa là rất khó.

Không thể làm ngơ

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, sau nhiều lần giá xăng dầu giảm thì các DN vận tải hàng hóa, hành khách, taxi cũng như hàng hóa không có lý do gì để biện hộ hay chây ỳ việc giảm giá. Việc lấy lý do nọ lý do kia để không giảm giá cước là không thể chấp nhận được. Như vậy đồng nghĩa với việc “móc túi” người tiêu dùng, không sòng phẳng với người tiêu dùng. Không thể duy trì tình trạng hằng ngày hàng chục triệu hành khách bị móc túi khi mua vé taxi, xe đò, xe khách…với giá cao vô lý.

“Đối với các đơn vị vận tải khi giá xăng dầu tăng, họ tăng giá cước nhưng khi giá xăng dầu giảm họ không chịu giảm vì muốn đạt được mức lợi nhuận cao nhất, như vậy là không sòng phẳng với DN và người tiêu dùng. Do đó Nhà nước cần quyết liệt và có cơ chế giám sát đối với những đơn vị không vì quyền lợi người tiêu dùng” - TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng bộ môn Luật Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), nêu quan điểm.

Các chuyên gia cũng cho rằng xăng dầu giảm là cơ hội tốt để kéo mặt bằng giá trên thị trường, từ đó kích thích sức mua. Đặc biệt đây là cơ hội để tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước trước hàng ngoại nhập, kích thích nền sản xuất phát triển. Bởi giá cước vận tải hàng hóa giảm, qua đó kéo giảm giá hàng hóa sản phẩm.

Vì vậy, để tình trạng chây ỳ giảm giá cước không tiếp diễn trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ để DN vận tải tự giác giảm giá thì rất khó mà các cơ quan chức năng phải thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với trường hợp phớt lờ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Điều chỉnh giá cước vận tải trước ngày 30/9

Ngày 4-9, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, thừa nhận từ đầu năm 2015 đến nay giá xăng có bốn lần tăng và bảy lần giảm. “Về nguyên tắc, giá xăng dầu giảm 10%, dứt khoát phải giảm cước vận tải. Nếu không giảm, khách hàng, xã hội sẽ không thể chấp nhận” - ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng cho biết hiệp hội đã gửi công văn yêu cầu các DN thuộc hiệp hội tính toán lại chi phí để giảm giá cước vận tải tương ứng với mức giảm của giá nhiên liệu. Cụ thể, hiệp hội cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị vận tải ô tô trên địa bàn rà soát lại các khoản mục giá thành xem khoản nào tăng, khoản nào giảm; mức độ tăng, giảm ra sao; so sánh mốc thời gian hiện nay với thời điểm kê khai giá lần gần nhất… Sau đó chủ động làm việc với cơ quan quản lý giá tại địa phương để tạo sự đồng thuận.

“Giá cước do thị trường quyết định, cơ quan chức năng quản lý. Song nếu DN bán giá cao thì khách hàng không chấp nhận nên chắc chắn DN phải tính toán kỹ để điều chỉnh giảm giá cước” - ông Thanh nói.

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cũng đã có công văn yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố giám sát kê khai giá cước theo quy định, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải và báo cáo Bộ GTVT, Bộ Tài chính trước ngày 30-9.

VIẾT LONG

Giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia?

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ chiều 4/9.

“Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và khẳng định giá xăng dầu hiện nay của Việt Nam là phù hợp với giá xăng dầu thế giới. Tức là khi mua cao thì sẽ bán cao và mua thấp bán thấp” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Hải cho biết thêm bảng xếp hạng của  website Global Petrol Price, tính đến ngày 19-8, giá xăng dầu của Việt Nam đứng thứ  47 từ dưới lên trong tổng số 174 nước, với mức giá là 0,86 USD/lít. “Mức giá này đã thấp hơn giá xăng dầu của Campuchia và Lào” - Thứ trưởng nói.

TRÀ PHƯƠNG

 

Theo Quang Huy - Tú Uyên
Pháp luật TPHCM

 

Giá xăng giảm, người tiêu dùng chịu thiệt - 2