Gánh quá nhiều thuế, phí: Giá xăng vẫn phù hợp?

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện giá xăng dầu của Việt Nam đã phù hợp với giá thế giới. Nếu so sánh với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng, thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam không phải ở mức cao.

 

gia-xang-1441362480590

Mặc dù giảm liên tiếp 5 lần gần đây, một số chuyên gia vẫn cho rằng, giá xăng có thể giảm sâu nếu không phải gánh quá nhiều thuế phí và chi phí, vốn đang chiếm quá nửa so với giá gốc nhập về.

Theo Bộ Công Thương, giá bình quân xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 4/8 - 18/8 là 58,299 USD/thùng (1 thùng = khoảng 158 lít). Tính theo tỷ giá hiện tại, giá 1 lít xăng chỉ khoảng 8.300 đồng/lít.

Hiện, tính trung bình 1lít xăng RON 92 đang phải chịu khoảng 1.600 đồng tiền thuế nhập khẩu (thuế suất 20%); 1.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 10%); chi phí định mức hơn 1.050 đồng; lợi nhuận định mức 300 đồng; trích quỹ bình ổn 300 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng; thuế giá trị gia tăng 1.600 đồng...

Trả lời câu hỏi về việc có thể giảm bớt các chi phí để giảm giá xăng dầu hay không, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều nay 4/9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: “Trong cơ cấu giá xăng hiệu có nhiều loại thuế phí, do đó, muốn tăng hay giảm đều được nhưng phải phù hợp theo tình hình thực tế”.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện giá xăng dầu của Việt Nam đã phù hợp với giá thế giới. Nếu so sánh với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng, thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam không phải ở mức cao. Thống kê từ 174 quốc gia và vùng lãnh thổ, trước lần điều chỉnh hôm 3/9, giá xăng của Việt Nam thấp thứ 47, thấp hơn so với Lào, Campuchia và Trung Quốc.

“Giá xăng dầu đang được điều hành bám sát với Nghị định 83 và diễn biến thị trường. Chúng ta phải nhập về, giá thế giới bán cao thì mình bán giá cao, giá thế giới giảm thì bán thấp. Nếu thấp quá sẽ xảy ra tình trạng buôn lậu sang các nước khác như Lào, Campuchia. Ngoài ra, cũng cần đảm báo vấn đề an ninh năng lượng trong bối cảnh giá liên tục giảm khiến doanh nghiệp không muốn nhập về nữa cứ nhập về bán lại lỗ”, Thứ trưởng nói.

Mới đây, trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định, thời gian qua hai Bộ Tài chính - Công Thương đã phối hợp rất nhịp nhàng trong việc điều hành giá xăng dầu. Giá xăng dầu được điều hành sát với biến động của giá thế giới, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng góp phần kiềm chế lạm phát, phát triển ổn định nền kinh tế vĩ mô...

Ông Tuấn cho rằng, các quy định hiện tại về chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (1.050 đồng/lít với xăng; 950 đồng/lít với dầu diezel, dầu hỏa; 600 đồng/kg với dầu mazut) và quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít,kg không phải là “ưu ái” cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

"Nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy không phải là lớn. Ngược lại nó sẽ tạo ra sức ép đối với các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới kinh doanh chưa hợp lý... có chi phí kinh doanh cao hơn chi phí kinh doanh định mức thì có thể có lợi nhuận ít, thậm chí không có lợi nhuận phải tích cực tổ chức lại hoạt động kinh doanh để mang lại hiệu quả", ông Tuấn nói.

Phương Dung

 

Gánh quá nhiều thuế, phí: Giá xăng vẫn phù hợp? - 2