Giá vàng vượt mốc 57 triệu đồng/lượng: Nông dân "ôm" vàng "xuống phố" chốt lời
Giá vàng tăng vọt, vượt mốc 57 triệu đồng/lượng khiến nhiều người "cười ra nước mắt" vì tăng thêm nợ, có người thì vui vì "bỗng dưng đủ tiền mua nhà". Thậm chí, người từ Hoà Bình còn gom vàng trong nhà và người thân xuống Hà Nội để chốt lời.
Giá vàng hôm 27/7 vẫn tiếp tục tăng "điên đảo", vượt mốc 57 triệu đồng/lượng. Với mức giá hiện tại, giá vàng hiện nay đã tăng gấp 5,6 lần trong 15 năm trở lại đây.
Theo đó, năm 2005, chỉ với 10 triệu đồng có thể sở hữu 1 lượng vàng thì đến thời điểm hiện tại, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và căng thẳng Mỹ - Trung đã đẩy giá vàng tăng vọt lên mức cao. Giá vàng tăng cũng có nhiều cảnh vui buồn, người có vàng bán lãi đậm ôm cả bao tiền, người vay vàng thì "ngồi trên đống lửa".
Đổ nợ vì "vàng lên giá"
Anh Nguyễn Ngọc Linh (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, cách đây một năm anh lập gia đình, người bạn thân cùng quê mừng hai vợ chồng một chỉ vàng. Tuần tới, người này tổ chức đám cưới nên anh đang tính cũng mừng lại bằng vàng.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, giá chỉ khoảng 39 triệu đồng/lượng. Đến nay vàng đã lên đến 56 triệu đồng/lượng, chênh lệch nhau tới gần 2 triệu đồng.
"Mấy hôm nay tôi và bà xã đang bàn với nhau chuyện mừng đám cưới bằng tiền hay vàng. Bà xã tôi thì đồng ý với phương án đi tiền theo giá vàng thời điểm năm ngoái, vì hai vợ chồng vừa có thêm em bé. Nhưng tôi vẫn nghĩ người ta "đi" vàng mình cũng nên đi lại như vậy cho hợp lý", anh Linh cho hay.
Vàng tăng giá khiến anh Thế Anh (Hà Đông – Hà Nội) đứng ngồi không yên vì món nợ vay vàng trả vàng của mình. Theo đó, sau nhiều năm chật vật thuê nhà để ở, 2 vợ chồng anh gom góp được hơn 300 triệu đồng. Vay mượn thêm từ người thân trong gia đình, nhưng vẫn chưa đủ để "tậu" một căn chung cư tại khu vực ngoại thành Hà Nội. Lúc ấy, một người bạn cùng quê không có tiền mặt nhưng có 5 cây vàng ngỏ ý cho vay. Vì muốn sớm có nhà để "an cư lạc nghiệp" nên vợ chồng anh Thế Anh vay 5 cây vàng của người bạn để mua.
"Lúc này giá vàng khoảng 37 triệu đồng/lượng, tôi vay 5 cây bán đi vừa đủ số tiền để "tậu" một căn chung cư gần 70m2 tại ngoại thành Hà Nội. Cuối năm nay là hạn trả nợ khoản vay này và theo thỏa thuận là vay vàng, trả bằng vàng. Không ngờ rằng, đến sát thời điểm trả nợ thì giá vàng lại tăng cao đột biến như vậy. Nếu giá vàng cứ tăng nữa thì chúng tôi không thể đủ tiền để trả nợ khoản vay này. Vợ chồng tôi đang rất lo lắng", anh Thế Anh than thở.
Theo anh Thế Anh, sai lầm lớn nhất của mình là nợ vàng nhưng khi có tiền lại không mua vàng ngay mà lại để trong ngân hàng vì cứ nghĩ dồn đủ tiền rồi mua một thể. Đến thời điểm bây giờ vàng tăng khiến khoản nợ anh cũng tăng lên.
Trong thời điểm giá vàng tăng kỷ lục, nhờ tích trữ vàng, một số người đã thắng lớn ôm về số tiền lãi cả trăm triệu đồng.
Mua được nhà Hà Nội nhờ vàng lên giá
Trái ngược với những trường hợp vay vàng kể trên, trong thời điểm giá vàng tăng kỷ lục, nhờ tích trữ vàng, một số người đã thắng lớn ôm về số tiền lãi cả trăm triệu đồng.
Sau khi tổ chức đám cưới vào tháng 10/2017, vợ chồng chị Lan, anh Cường ở Cầu Giấy (Hà Nội) dùng toàn bộ số tiền mừng cưới của mình đi mua vàng với mục đích chính là tiết kiệm, sau này “cày cuốc” thêm sẽ tính toán mua nhà.
“Tôi nhớ hôm đi mua vàng là vào ngày 5/10/2017, chỉ vài ngày sau đám cưới. Hai vợ chồng được 228 triệu tiền mừng, bố mẹ 2 bên cho làm của riêng nên chúng tôi dẫn nhau đi mua được 6 lượng vàng với giá 36,1 triệu đồng/lượng. Tính thêm số vàng gia đình nội ngoại cho, vợ chồng tôi có 8,2 lượng vàng. Nếu quy ra tiền, cũng chỉ có khoảng gần 300 triệu”, anh Cường chia sẻ.
Ngoài ra, với tiền lương hàng tháng của hai vợ chồng, anh chị chia tiền làm 4 phần, một phần dùng chi phí hàng ngày, 1 phần để trong tài khoản phòng ngừa việc phát sinh, 1 phần để chuẩn bị cho việc có con và nuôi con, 1 phần mua vàng cất đi để dành việc mua nhà.
Đến đầu năm 2020, trong tài khoản tiết kiệm của hai vợ chồng chị Lan có 183 triệu đồng còn dư không tiêu đến và số vàng tích lũy được là 13,4 lượng vàng.
Từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng luôn ở ngưỡng quanh 50 triệu đồng/lượng. Với 8,2 lượng vàng mua từ tháng 10/2017, vợ chồng chị Lan bán đi với giá 50,2 triệu đồng/ lượng, ôm lãi hơn 110 triệu đồng. Số vàng còn lại tích lũy từ lương là 5,2 lượng, nếu bán sẽ mang về gần 300 triệu đồng.
Cộng các khoản tiền có được từ đầu tư vàng và tiền trong tài khoản, việc sở hữu một căn chung cư tại Hà Nội của hai vợ chồng chỉ trong tầm tay nhờ vàng lên giá.
Ngoài ra, trước đà tăng phi mã của giá vàng, nhiều gia đình có vàng cất giữ lâu này cũng đã quyết định bán ra để kiếm lời.
Chia sẻ với PV, anh Trần Văn Hai (Hòa Bình) cho biết, qua thông tin báo đài biết nắm được đà tăng của vàng nên sáng nay (27/7) anh cùng người nhà đã xuống Hà Nội từ sớm để bán vàng. Ngoài số vàng của gia đình, anh còn gom vàng của người thân để bán kiếm lời.
Chị Hoàng Diệu Anh (Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) đang xếp hàng chờ giao dịch cho biết, hôm nay chị cùng người thân đến để bán vàng, số vàng này được gia đình chị mua từ đầu năm, với mức giá hơn 42 triệu đồng/lượng.
Thời điểm này, mỗi lượng vàng đã đem lại cho chị 1 khoản lời hơn 10 triệu đồng, vì vậy chị quyết định bán ra hôm nay. "Tùy thuộc theo diễn biến thị trường sắp tới, có thể tôi sẽ tiếp tục đầu tư trở lại", chị Diệu Anh chia sẻ.
Một số hình ảnh tại phiên giao dịch vàng tại phố Trần Nhân Tông (Đống Đa- Hà Nội)
Những người dân từ Hòa Bình xuống Hà Nội bán vàng từ sáng sớm
Mới hơn 9h sáng, các cửa hàng vàng đã có nhiều người tới giao dịch
Lượng khách hàng đến mua bán tấp nập trong ngày vàng lập đỉnh vượt mốc 56 triệu đồng/lượng
Với mức giá hiện tại, giá vàng hiện nay đã tăng gấp 5,6 lần trong 15 năm trở lại đây.
Theo đó, năm 2005, chỉ với 10 triệu đồng có thể sở hữu 1 lượng vàng thì đến thời điểm hiện tại, giá một lượng vàng đã lên đến gần 57 triệu đồng.