1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giá vàng SJC nhảy loạn xạ, chênh lệch mua - bán lên 2 triệu đồng/lượng

Hoàng Dung

(Dân trí) - Giá vàng SJC sáng nay tăng hơn 1 triệu đồng/lượng sau khi "bốc hơi" 1,5 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch hôm qua. Chênh lệch mua bán nới rộng lên 2 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (22/7), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 64,3 - 66,32 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên hôm qua.

Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 2 - 2,02 triệu đồng/lượng.

Chiều qua (21/7), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 63,2 - 65,22 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua, giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với phiên hôm qua. Chênh lệch mua bán là 2,02 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC nhảy loạn xạ, chênh lệch mua - bán lên 2 triệu đồng/lượng - 1

Giá vàng SJC vẫn trên đà sụt giảm (Ảnh: Việt Đức).

Trao đổi với Dân trí, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng SJC giảm mạnh là do "đi cùng chiều với" giá vàng thế giới. Vì giá vàng trong nước không liên thông với thế giới nên thường có độ trễ về mặt thời gian.

"Giá vàng trong nước khi giảm lại dồn vào một đợt nên thị trường xuất hiện tình trạng rung lắc mạnh. Ngoài ra, tâm lý đám đông cũng là nguyên nhân đẩy giá kim loại quý lao dốc", ông nói.

Theo ông Khánh, trong bối cảnh giá vàng thế giới sụt giảm, các "tay to"  nhận thấy tình hình không khả quan nên bán ra kim loại quý. Tuy nhiên, điều này tác động đến một số nhà đầu tư nhỏ lẻ, đứng trước tin đồn, họ cũng ồ ạt bán theo.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cũng cho rằng, có 2 nguyên nhân khiến giá vàng SJC lao dốc. Thứ nhất là giá vàng thế giới có xu hướng giảm nên giá vàng trong nước giảm theo.

Thứ hai là đồng USD ngày càng mạnh lên (chỉ số USD Index đạt 107,11 điểm) trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75% vào cuối tháng 7. Do đó, các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư bán ra lượng lớn vàng để cơ cấu lại danh mục đầu tư khi đồng USD tăng giá. Chính lực bán này đã làm giá vàng SJC lao dốc.

Giá vàng SJC nhảy loạn xạ, chênh lệch mua - bán lên 2 triệu đồng/lượng - 2

Người dân xem giá vàng tại các điểm kinh doanh (Ảnh: Mạnh Quân).

Trên thị trường quốc tế, sáng nay (22/7), giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.718 USD/ounce (tương đương 48,57 triệu đồng/lượng), tăng 26 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 16,65 triệu đồng/lượng.

Sau phiên giao dịch kinh hoàng, giá vàng thế giới lấy lại mốc kháng cự 1.700 USD/ounce. Tuy nhiên, con đường phía trước của kim loại quý còn nhiều khó khăn vì các đợt bán tháo vẫn diễn ra.

Ông Kieran Tompkins, chuyên gia từ Capital Economics dự báo, giá vàng cuối năm nay có thể thấp hơn 4% so với hiện tại. Nguyên nhân đến từ việc đồng USD mạnh lên và lợi suất thực tế tăng.

Lạm phát "nóng" lên, đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) càng có thêm động lực để thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ. Mới đây, các quan chức Fed đã đề xuất mức tăng lãi suất thêm 1% vào tháng 7 và 0,75% vào tháng 9.

Phân tích về thị trường vàng trong thời gian tới, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, kim loại quý đang bị mắc kẹt trong nhiều cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất là giữa chính sách tài chính, tiền tệ của các ngân hàng trung ương với áp lực lạm phát gia tăng. Cuộc chiến thứ hai là tình hình địa chính trị bất ổn và sự biến động trên thị trường chứng khoán.