1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thị trường vàng rung lắc: Vàng SJC giảm 5 triệu đồng/lượng

An Chi

(Dân trí) - Giá vàng SJC đang biến động mạnh khi giảm hơn 5 triệu đồng/lượng trong một ngày.

Cập nhật lúc 16h chiều nay (18/7), giá vàng miếng SJC giảm mạnh về 61,8 - 63,82 triệu đồng/lượng (mua - bán). So sánh với phiên 9h, giá vàng giảm 5,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 3,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây là mức giảm sâu, kỷ lục của giá vàng SJC trong một ngày, kể từ đầu năm đến nay.

Nếu so sánh với giá ngày hôm qua (17/7), giá vàng giảm 5,55 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 4,15 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.720 USD/ounce (tương đương 48,68 triệu đồng/lượng). Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 15,14 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng rung lắc: Vàng SJC giảm 5 triệu đồng/lượng - 1

Sáng nay (18/7), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 66,9 - 67,52 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 450.000 đồng/lượng so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 600.000 - 620.000 đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.712 USD/ounce (tương đương 48,46 triệu đồng/lượng), tăng 4 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 19,06 triệu đồng/lượng.

Chiều qua (17/7), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 67,35 - 67,97 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên giá so với phiên 16/7. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 600.000 - 620.000 đồng/lượng.

Thị trường vàng rung lắc: Vàng SJC giảm 5 triệu đồng/lượng - 2

(Ảnh: Việt Đức).

Trên thị trường quốc tế sáng 18/7, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.709 USD/ounce (tương đương 48,35 triệu đồng/lượng), tăng 1 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 19,62 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 11 tháng khi đồng USD (đạt 107,98 điểm) và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (2,93%) tăng cao. Nguyên nhân đến từ việc chỉ số lạm phát (CPI) ở Mỹ cao kỷ lục, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 11/1981.

Lạm phát "nóng" lên, đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) càng có thêm động lực để thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ. Các quan chức Fed đã gợi ý mức tăng lãi suất thêm 1% vào tháng 7 và 0,75% vào tháng 9.

Phân tích về thị trường, các chuyên gia từ CPM Group cho rằng: "Về lý thuyết, giá vàng sẽ được hưởng lợi nếu lạm phát ngày càng nóng. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, Fed sẽ trở nên quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất để dập tắt lạm phát. Điều này dẫn đến việc đồng USD mạnh hơn so với các loại tiền tệ khác, cũng như đặt ra rào cản về kỳ vọng lạm phát trong tương lai".

Trong cuộc khảo sát của Kitco, các nhà phân tích đến từ phố Wall đều không lạc quan về giá vàng trong tuần này. Cụ thể, 50% tin rằng kim loại quý sẽ giảm giá, 31% dự báo đi ngang và 19% nhận định giá sẽ tăng.  

Kết quả cuộc thăm dò trực tuyến Main Street thu hút 1.107 nhà đầu tư cá nhân tham gia cũng cho thấy, có 441 người, chiếm 40%, dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này. 458 người, tương đương 41%, cho rằng giá sẽ giảm và 208 nhà đầu tư, tương đương 19%, nhận định giá vàng sẽ đi ngang.

Thị trường vàng rung lắc: Vàng SJC giảm 5 triệu đồng/lượng - 3

Các nhà phân tích đều không lạc quan về giá vàng trong tuần này (Ảnh chụp màn hình).

Giới chuyên gia dự báo, thị trường vàng còn rung lắc mạnh khi tình hình địa chính trị bất ổn. Hôm 15/7, tiếp bước 4 quốc gia G7 gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất chính sách "cấm cửa" vàng Nga. Vì vàng là mặt xuất khẩu mang về nguồn thu lớn thứ hai cho Nga, chỉ sau năng lượng.

Theo thống kê, Nga chiếm khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020 và 90% lượng vàng từ Nga là xuất sang các nước G7. Năm 2021, vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại đặt ra nghi ngờ về tác động của lệnh trừng phạt. Hồi tháng 3, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) đã loại bỏ các nhà máy tinh chế vàng của Nga ra khỏi danh sách giao hàng.

Vào thời điểm đó, cơ quan này cũng thừa nhận, lệnh cấm không ảnh hưởng đến thị trường vàng toàn cầu vì sản lượng vàng từ Nga chủ yếu là trong nước.