Vì sao giá vàng SJC giảm sốc 3 - 5 triệu đồng/lượng?
(Dân trí) - Thị trường vàng liên tục biến động trong 2 ngày qua, có thời điểm khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi về nguyên nhân đẩy giá vàng lao dốc.
16h chiều nay (19/7), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 63,3 - 65,32 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua, tăng 850.000 đồng/lượng ở chiều bán so với lúc 9h.
Theo ghi nhận của Dân trí, chiều nay, trên các "phố vàng" ở Hà Nội như Trần Nhân Tông, Cầu Giấy, Xã Đàn có khá ít khách đến giao dịch, bất chấp giá vàng miếng giảm sốc trong 2 ngày gần đây.
Với nhiều người, phiên giao dịch hôm qua (17/7) giống như cuộc chơi tàu lượn trên thị trường vàng và chỉ có người đủ can đảm mới ngồi xem bảng điện tử. Lúc 9h, vàng SJC được niêm yết tại 66,9 - 67,52 triệu đồng/lượng (mua - bán) nhưng 12h, giá vàng giảm về 65,2 - 66 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đến 16h, giá vàng giảm 5,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua, giảm 3,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với lúc 9h. Đây là mức giảm sâu, kỷ lục của giá vàng SJC trong một ngày, kể từ đầu năm đến nay.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng, có 2 nguyên nhân khiến giá vàng SJC lao dốc.
Thứ nhất là giá vàng thế giới có xu hướng giảm nên giá vàng trong nước giảm theo. Thứ hai là đồng USD ngày càng mạnh lên (chỉ số USD Index đạt 107,11 điểm) trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75% vào cuối tháng 7.
"Có người sẽ đặt ra nghi vấn về việc thời gian trước giá vàng thế giới giảm từ 1.900 USD/ounce xuống 1.750 - 1.800 USD/ounce nhưng giá vàng SJC vẫn đứng im trong khi đợt này, giá vàng thế giới giảm thêm 20 - 30 USD/ounce mà giá vàng trong nước lại lao dốc kinh hoàng. Tôi cho rằng, thị trường vàng đang có một lực bán mạnh từ các thương mại cổ phần, quỹ đầu tư", ông nói.
Theo ông, các thương mại cổ phần, quỹ đầu tư bán ra lượng lớn vàng để cơ cấu lại danh mục đầu tư khi đồng USD đang lên giá. Chính lực bán này đã làm giá vàng SJC lao dốc.
Đồng thời, ông cũng loại trừ khả năng lực bán mạnh từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Từ ngày 15/7 đến ngày 17/7, các đơn vị vẫn mua vàng vào với giá 68 triệu đồng/lượng nên họ không có lý do gì để giảm giá sốc với kim loại quý.
Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng, gần đây, giá vàng có sự điều chỉnh là do vấn đề này nhận được sự quan tâm lớn, làm nóng nghị trường Quốc hội.
Thời điểm đó, Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý thị trường vàng để làm sao cho giá vàng trong nước và thế giới không chênh lệch quá cao. "Đây cũng là mong mỏi của các nhà đầu tư, người dân về việc điều chỉnh Nghị định 24/2012 trong hoạt động quản lý vàng miếng", ông Hải cho biết.
Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), nhận định, giá vàng trong nước lao dốc vì lực bán mạnh.
"Động thái bán vàng SJC trong 2 ngày qua có sự bất thường. Vì trước đó, người dân luôn muốn tích trữ, nắm giữ vàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt lại có tâm lý đám đông và hành động theo cảm tính mỗi khi thị trường có thông tin", ông đánh giá.
Ông không loại trừ khả năng thông tin Ukraine đã bán số vàng trị giá hơn 12 tỷ USD đã tác động đến thị trường vàng trong nước.
Vì nhiều giải thiết cho rằng Ukraine đang khó khăn nên họ muốn bổ sung nguồn tiền vào ngân sách thì phải bán vàng. Trong khi, nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng đang vật lộn với lạm phát khi giá năng lượng tăng cao. "Với những động thái trên, người dân lo lắng đợt bán tháo lớn xuất hiện. Chỉ cần một vài người đi bán, họ sẽ kéo nhau đi bán", ông cho hay. Người dân bán vàng để chốt lời, chạy khỏi rủi ro. Theo ông Trọng, đây là nguyên nhân khách quan để lý giải về diễn biến thị trường vàng trong 2 ngày qua.