EVN phủ nhận xả lũ gây tác động xấu đến vùng hạ du

(Dân trí) - Bất chấp những bức xúc của các đại biểu Quốc hội trên Nghị trường về hoạt động xả lũ, EVN vẫn khẳng định, đã giữ được an toàn hồ đập, không gây tác động xấu tới hạ du.

Tại báo cáo tình hình hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh tháng 10/2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hoạt động sản xuất và cung ứng điện của tập đoàn này chịu ảnh hưởng liên tiếp của hai cơn bão số 10 và số 11.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 
Thời tiết bất lợi đã gây thiệt hại lớn trên hệ thống lưới điện từ Nghệ An đến Quảng Nam, làm mất điện dài ngày tại nhiều khu vực do mưa ngập, có thời điểm hệ thống truyền tải 500 kV Bắc Nam bị gián đoạn.
 
Tuy nhiên, trước tình hình này, EVN khẳng định đã chỉ đạo kịp thời các đơn vị trực thuộc trong vùng ảnh hưởng của bão chủ động tổ chức ứng trực 24/24 liên tục, tập trung nhân lực và phương tiện khắc phục ngay các thiệt hại của bão theo tinh thần “4 tại chỗ”, khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị...
 
 
Việc xả lũ với cường độ lớn đã gây ngập lụt cho vùng hạ du, gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua.
Việc xả lũ với cường độ lớn đã gây ngập lụt cho vùng hạ du, gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua.
 
Mới đây, trong phiên thảo luận ngày 1/11, Nghị trường Quốc hội đã "nóng" lên vì các bức xúc của đại biểu trước bất cập trong việc xả lũ ở lĩnh vực thủy điện. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) chất vấn: "Người dân ở hạ lưu luôn nơm nớp lo sợ xả lũ của thủy điện. Nhiều người dân miền Trung đã bị trắng tay sau cả đời chắt bóp chỉ vì xả lũ của thủy điện. Đặc biệt, thủy điện lấy 19.000 ha rừng nhưng chỉ trồng bù 735 ha là điều không thể chấp nhận được, giải thích sao với dân?".
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị, "Không thể để tình trạng người tháo nước cứ tháo nước, người tích nước cứ tích nước. Cần ban hành quy chế để quản lý. Chính phủ, Bộ Công thương... phải rà lại toàn bộ để người dân yên tâm".
 
Tuy nhiên, tại báo cáo lần này, EVN nêu rõ: "Hầu hết các hồ thuỷ điện ở miền Trung và Tây Nguyên đều xả nước trong và sau bão nhưng do vận hành hồ chứa theo đúng quy trình đơn hồ và liên hồ, chủ động điều tiết kết hợp với công tác điều hành phối hợp vận hành khai thác các nguồn điện hợp lý đã giữ được an toàn hồ đập, không gây tác động xấu tới hạ du".
 
Trong tháng 11, EVN cho biết, sẽ khai thác hợp lý các nhà máy thuỷ điện theo lượng nước về để đảm bảo mục tiêu tích nước tối đa các hồ thủy điện cuối năm. Các tổ máy nhiệt điện than khai thác theo chiến lược khai thác thuỷ điện và đảm bảo điện áp miền Bắc. Các tổ máy tua-bin khí khai thác theo nhu cầu tích nước các hồ miền Nam và đảm bảo điện áp miền Nam.
 
Trước mắt, để đối phó với cơn bão số 12, EVN đã phát công điện yêu cầu các công ty thủy điện rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, thực hiện nghiêm quy trình điều tiết đơn hồ và liên hồ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình và hạ du. Thường xuyên thông tin với Chính quyền và Ban Phòng chống lụt bão địa phương khi có xả lũ, có phương án cảnh báo người dân vùng hạ du để chủ động ứng phó với tình huống xả lũ.
 
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 12 là một cơn bão mạnh, vùng gần tâm bão đi quá gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13, có khả năng gây thiệt hại lớn về người, công trình và vận hành an toàn lưới điện.
 
Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước