Thủy điện xả lũ ngập hạ du tiếp tục bị “truy vấn” tại Quốc hội
(Dân trí) - Các công trình thủy điện đều không có lưu lượng xả “chuẩn” để duy trì dòng chảy. Tình trạng thiếu nước dẫn đến tranh chấp ở một số lưu vực sông vào mùa khô. Trong khi đó, thiếu quy trình vận hành hồ nên việc xả lũ ồ ạt cũng tác động đến hạ du…
Một trong những điểm mới được thiết kế là quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Nhiều đại biểu kiến nghị bổ sung thêm điều cấm hành vi xả lũ ở các công trình thủy điện gây ngập lụt hạ du.
Nội dung này đã từng được nêu ra tại phiên họp UB Thường vụ trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội. “Giải trình” sự việc, Chính phủ khẳng định, tổng công suất thủy điện đang đóng góp 40% sản lượng toàn quốc. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện nhỏ và vừa cũng như chuyển nước lưu vực đang gây nhiều hậu quả. Điển hình là việc xây hồ chứa chưa quan tâm đến chức năng phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du.
Do thiếu quy hoạch chung nên các công trình thủy điện đều không có lưu lượng xả “chuẩn” để duy trì dòng chảy. Tình trạng thiếu nước dẫn đến tranh chấp ở một số lưu vực sông vào mùa khô. Trong khi đó, thiếu quy trình vận hành hồ nên việc xả lũ ồ ạt cũng tác động đến hạ du…
Quy hoạch lưu vựng trên các dòng sông lớn cũng chưa có nên việc chống lũ mới chủ yếu dựa trên kinh nghiệm.
Khi Quốc hội đang thảo luận nội dung này, tại Thừa Thiên - Huế, 2 nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điền mấy ngày qua đã phải liên tục mở cửa xả lũ. Nước lũ đã gây ngập băng khu vựa thành phố Huế, các huyện Phú Vang, Quảng Điền.
Tại Quảng Nam, thủy điện sông Tranh 2 vừa đồng loạt mở 6 cửa xả những ngày vừa với lưu lượng từ 3.500 đến 5.000 m3/s. Nước lũ gây thiệt hại nặng cho vùng hạ lưu. Nước ngập trắng khắp các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An với hàng trăm nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.
Tại Phú Yên, thủy điện sông Ba Hạ, thủy điện sông Hinh cũng đồng loạt xả lũ dìm nhiều địa bàn dân cư trong biển nước. Hiện nhiều xã tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hoà vẫn bị lũ cô lập, nhiều tuyến giao thông trọng yếu bị chia cắt.
Tỏ ý bất bình, đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) đề xuất, dự án Luật Tài nguyên nước nên tập trung đưa ra các quy định chặt chẽ về bảo vệ hồ chứa nước điều tiết xả lũ, có chế tài xử phạt các nhà máy điện xả nước gây lụt hạ du.
Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị quy định việc nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với những nhà máy, công trình này
Chính phủ cũng thống nhất quan điểm, việc nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với một số trường hợp khai thác, sử dụng nước cho mục đích kinh doanh nhằm đề cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo công bằng. Việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một nguồn thu ngân sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Chính phủ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp đầu năm tới.
P.Thảo