1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

EVN cần lấy ý kiến người dân khi tăng giá điện

(Dân trí) - Khẳng định không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải điều chỉnh giá điện để tiến tới cơ chế thị trường, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ hỗ trợ người dân thu nhập thấp và yêu cầu EVN phải lấy ý kiến phản hồi khi điều chỉnh giá.

EVN cần lấy ý kiến người dân khi tăng giá điện
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Việc điều chỉnh giá điện nếu không khéo léo, yếu tố tâm lý sẽ kéo lạm phát trở lại.

Trao đổi với báo giới tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2013 diễn ra chiều 30/7 về lộ trình giá điện thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là tiến tới thể chế kinh tế thị trường và do đó, giá cả của một số mặt hàng cũng dần phải được trả về với giá thị trường.

Bộ trưởng chỉ rõ, thực trạng hiện nay, giá than bán cho điện đang thấp hơn than bán cho xã hội và các ngành khác, bán dưới giá thành, dẫn đến tình trạng buôn lậu than. Tuy nhiên, hệ luỵ thứ hai quan trọng hơn, đó là, nếu giá điện của Việt Nam thấp trong khi Nhà nước phải bù lỗ thì tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện, như vậy chúng ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu.

"Có thể thấy rõ, có một thời rộ lên nền công nghiệp cán thép, cứ nấu thép phế phẩm, các loại thép kém chất lượng bởi vì giá điện thấp. Họ lãi chính là lãi ở chênh lệch giá điện, và vô hình trung chúng ta bao cấp cho họ", Bộ trưởng phân tích. "Điện là thức ăn của công nghiệp mà Ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi vào lĩnh vực này mà cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội. Nhưng giá điện thấp quá, đầu tư không có lãi sẽ không thu hút được.

Do đó, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, giá điện cần phải được điều chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh giá điện gặp phải hai vấn đề. 

Thứ nhất, người dân Việt Nam có thu nhập thấp và nếu mặt hàng nào cũng tính theo giá quốc tế thì sẽ rất khó khăn. Trong lĩnh vực điện, ngoài thủy điện, các trang bị máy móc thiết bị, đến điện khí và tới đây là điện gió, điện năng lượng mặt trời... đều phải nhập khẩu và theo giá quốc tế. 

"Chúng ta không có sự lựa chọn!" - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói. Để đảm bảo dân sinh, thay vì bao cấp chung cho điện thì Nhà nước sẽ hỗ trợ cho người dân. Chẳng hạn, mỗi hộ dân, nhất là người nghèo được bao cấp một số điện nhất định chứ không phải tất cả. Chính phủ khẳng định, sau này, khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp, nhất là người nghèo.

Điểm vướng mắc thứ hai trong lộ trình điều chỉnh giá điện theo giá thị trường đó là việc nếu tăng ngay giá điện, vốn đóng vai trò là yếu tố đầu vào của sản xuất, thì giữa bối cảnh khó khăn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Bộ trưởng cho rằng, đây là cái giá phải trả. 

Chính vì 2 lý do nói trên, đặc biệt là lý do thứ hai nên trong nhiều năm nay, Việt Nam không thể điều chỉnh ngay một lúc mà phải đi theo lộ trình.

Ngoài ra, người phát ngôn Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong việc điều chỉnh giá điện hay bất cứ loại hàng hoá công nào khác như giá dịch vụ y tế thì điều hành phải khéo léo.

"Nếu chúng ta điều hành không khéo thì ngay lập tức sẽ tạo ra yếu tố tâm lý khiến lạm phát quay trở lại. Chúng ta đều biết, tâm lý khi giá điện tăng thì lương tăng, mà lương chưa kịp tăng thì bát phở ngay đầu phố đã tăng rồi! Vì vậy, Chính phủ cân nhắc và đề ra lộ trình".

Bộ trưởng Vũ Đức Đam tái khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước là giá hàng hoá phải tiến tới thị trường, đi kèm với những cơ chế hỗ trợ cho người dân có thu nhập thấp. Ông cho rằng, nếu chủ trương được giải thích đúng đắn, "đến nơi đến chốn" thì sẽ có được sự đồng thuận trong nhân dân.

Bên cạnh đó, về phía doanh nghiệp, sự khuyến khích không chỉ bằng bằng lời nói mà bằng cơ chế tài chính, chính sách thuế để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, để đầu tư vào công nghệ hiện đại và tiết kiệm năng lượng hơn.

"Phương án lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ đã bàn nhiều năm nay. Còn lộ trình tăng cụ thể như thế nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có chỉ số giá tiêu dùng. Khi có đổi mới căn bản về giá điện, rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, đồng thời lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện" - Bộ trưởng kết luận.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm