Dự trữ vàng của Trung Quốc tăng thêm 500 tấn?

(Dân trí) - Chênh lệch 500 tấn vàng giữa mức tiêu thụ vàng của Trung Quốc với khối lượng vàng mà nước này đã nhập và sản xuất trong năm ngoái cho thấy, rất có thể Bắc Kinh đã mạnh tay gom vàng cho dự trữ quốc gia.

Một cửa hàng vàng ở Trung Quốc - Ảnh: Getty.
Một cửa hàng vàng ở Trung Quốc - Ảnh: Getty.

Theo tờ Financial Times, lần gần đây nhất Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố tăng dự trữ vàng là gần 5 năm trước, tức là vào đầu năm 2009. Kể từ đó, các quan chức Trung Quốc liên tục nhắc đi nhắc lại là nước này không xem vàng như một tài sản hữu ích đối với việc đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối khổng lồ lên tới 3,8 nghìn tỷ USD của mình.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Năm 2014, đầu tư vàng coi chừng lỗ



Tuy nhiên, những con số chính thức mới nhất cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu và sản xuất được khối lượng vàng lớn hơn rất nhiều so với lượng vàng tiêu thụ của người dân trong năm 2013. Theo giới phân tích, sự chênh lệch này cho thấy, rất có thể PBoC đã mua vàng trong năm ngoái, bất chấp những tuyên bố theo chiều hướng ngược lại như đề cập ở trên.

Dữ liệu do Hiệp hội Vàng Trung Quốc công bố ngày 10/1 cho thấy, nhu cầu vàng của người dân Trung Quốc tăng 41% trong năm 2013, đạt mức 1.176 tấn. Với mức tiêu thụ này, Trung Quốc vượt qua Ấn Độ trở thành quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Khối lượng nhập khẩu và sản xuất vàng của Trung Quốc năm qua lớn hơn nhiều so với con số trên. Trung Quốc đã nhập 1.158 tấn vàng qua Hồng Kông, tăng hơn gấp đôi so với năm 2012. Sản lượng vàng của nước này đồng thời cũng tăng 6%, đạt mức 428 tấn. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu vàng trực tiếp qua Thượng Hải, nhưng số liệu này không bao giờ được công bố.

Nếu cộng gộp lại các con số trên, nhà phân tích Na Liu thuộc CNC Asset Management ước tính rằng, Trung Quốc “rõ ràng đã tiêu thụ” trên 1.700 tấn vàng trong năm 2013, nhiều hơn ít nhất khoảng 500 tấn so với mức cầu mà Hiệp hội Vàng Trung Quốc công bố.

“Sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu PBoC công bố một con số mới, cao hơn nhiều về mức dự trữ vàng”, ông Na nói. Vào tháng 4/2009, BpoC nói rằng, mức dự trữ vàng của Trung Quốc là 1.054 tấn.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng cho rằng, sự chênh lệch giữa các số liệu cho thấy Trung Quốc đã tăng mức dự trữ vàng quốc gia.

Nhà phân tích Liu Xu thuộc công ty Capital Futures ở Bắc Kinh, nói rằng, các công ty nữ trang vàng của Trung Quốc có thể đã xây dựng kho dự trữ vàng của riêng mình, và các định chế tài chính thương mại như các ngân hàng có thể cũng đã tăng dự trữ vàng. Tất cả những hoạt động này đều không được tính vào nhu cầu tiêu thụ vàng, vì con số nhu cầu chỉ thể hiện sự tiêu thụ vàng cuối cùng.

“Sự chênh lệch không chỉ liên quan tới tăng dự trữ vàng chính thức. Nói chính xác hơn, tất cả mọi cấp độ trong xã hội, từ các cá nhân cho tới các ngân hàng, đều mua nhiều vàng hơn”, ông Liu phát biểu. “Xã hội Trung Quốc ngày càng giàu lên và người dân không có nhiều kênh đầu tư, bởi thế mà vàng rất hấp dẫn”.

Ngoài ra, ngành công nghiệp nữ trang của Trung Quốc cũng đã phát triển nhanh chóng và có thể hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nữ trang đã không được tính đến trong các con số thống kê.

Gần đây, xuất hiện tin đồn PBoC có thể sắp công bố số liệu mới về dự trữ vàng quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Liu, việc vàng tăng giá trở lại thời gian gần đây sẽ khiến PBoC giữ im lặng về vấn đề này do lo ngại có thể đẩy giá vàng tăng vọt. Từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới tăng 5% sau khi giảm khoảng 1/4 trong năm ngoái.

PBoC từng nói rằng, thị trường vàng toàn cầu là quá nhỏ bé so với kho dự trữ ngoại hối của nước này để vàng có thể được sử dụng như một kênh đầu tư nhằm đa dạng hóa danh mục. Cho dù nếu dự trữ vàng quốc gia của Trung Quốc tăng gấp đôi so với con số chính thức đã được công bố, thì mức dự trữ như vậy cũng chỉ chiếm vỏn vẹn 2% giá trị dự trữ ngoại hối của nước này, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của các quốc gia phát triển hơn.

Phương Anh
Theo Financial Times

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước